Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do trong thời gian vừa qua. Ảnh: Hà Thanh |
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ, đại dịch đã khiến doanh nghiệp ý thức được phải xây dựng thêm các kênh phân phối, cân bằng giữa xuất khẩu và phục vụ trong nước. “Chúng tôi đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, không tự tin tăng trưởng 50% như kế hoạch ban đầu, mà chuyển hướng sang xây dựng nội lực, xây dựng các kênh phân phối phục vụ thị trường nội địa. Qua đợt dịch, chúng ta cũng nhìn thấy rằng có cơ hội để chuyển đổi mô hình kinh doanh, đánh giá lại rủi ro, thị trường tiêu dùng, tập trung vào lợi ích khách hàng. Tài sản quan trọng nhất bây giờ là con người, có con người tốt chúng ta sẽ có cơ hội tốt hơn”, ông Trung chia sẻ.
Câu chuyện của Tập đoàn Tân Long là một ví dụ trong nhiều sự thay đổi để thích ứng với khủng hoảng, để tồn tại và phát triển, cũng như nắm bắt những cơ hội mới. Đó cũng là một trong những cơ sở cho kỳ vọng về khả năng vượt lên của Việt Nam sau đại dịch.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, môi trường đầu tư của Việt Nam có thể đang trở nên hấp dẫn hơn bởi lẽ, các nhà đầu tư đã nhận ra rằng không nên tập trung vào một quốc gia, ngành hàng hay một địa điểm vì khi dịch bệnh bùng phát sẽ khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tê liệt. Vì vậy, trong thời gian tới chắc chắn sẽ xuất hiện xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ quốc gia này sang quốc gia khác, trong đó, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn khi đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có một bước đi rất dài trong chuyển đổi số. Cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam có đặc điểm là nhiều doanh nghiệp nhỏ, trẻ nên sẽ áp dụng chuyển đổi số nhanh hơn. Điều này củng cố hy vọng doanh nghiệp Việt Nam sẽ bắt kịp thế giới trong thời gian tới. Bối cảnh dịch bệnh cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam có cách nhìn khác, tạo động lực tăng cường quản trị trong thời gian tới. Trong giai đoạn tiếp theo, có thể xuất hiện những rủi ro khác như thiên tai hay biến đổi khí hậu thì việc tăng cường quản trị sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, Việt Nam đang có cơ hội lớn từ các FTA; doanh nghiệp áp dụng phổ biến hơn công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo ra các cơ hội và mô hình kinh doanh mới, gia tăng sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các chuỗi giá trị. Việt Nam cũng đang thu hút FDI vào các lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, giúp Việt Nam có cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị cao hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm…
Theo GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam, các quyết sách của Chính phủ Việt Nam đã được chứng minh là phù hợp và được quốc tế công nhận, các số liệu kinh tế nửa đầu năm 2021 không quá u ám. “Dù những đám mây đen đang tụ tập ở đường chân trời, nhiều thành phố lớn đang thực hiện giãn cách xã hội, tình hình toàn cầu chưa rõ ràng… nhưng, tôi tin Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này như đã làm được trong năm 2020”. Việt Nam sẽ định vị lại mình ở tầm cao hơn thông qua các chính sách kinh tế mở cửa, bao gồm cam kết tự do hóa thương mại, số hóa nền kinh tế, FDI, chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng...”, ông Andreas Stoffers nói.
VEPR khuyến nghị trong trung và dài hạn, song hành với những chính sách đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một yêu cầu thường trực. Để nâng cao vị thế trên trường quốc tế, cần thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của các FTA trong việc cải thiện lợi thế so sánh và giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tạo môi trường để các FTA phát huy hiệu quả. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao hiểu biết và đảm bảo khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm, xuất xứ..., khẳng định vị thế của mình trên sân chơi thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao trình độ và chất lượng nguồn nhân lực nhằm hưởng lợi và tận dụng tối ưu chuyển giao công nghệ và khoa học kỹ thuật từ doanh nghiệp nước ngoài.