Tìm kiếm giải pháp tài khóa thúc đẩy kinh tế sớm phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục kéo theo nhu cầu về các loại hàng hóa gia tăng. Do đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn do dịch hiện nay và đón đầu cơ hội từ thị trường thế giới, một trong những giải pháp được đề xuất là đẩy mạnh hiệu quả thực thi các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí có tác động rất rõ rệt, kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Ảnh: Lê Tiên
Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí có tác động rất rõ rệt, kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Ảnh: Lê Tiên

Giới phân tích thị trường hàng hóa thế giới cho biết, một năm trước, khi đại dịch Covid-19 hoành hành tại nhiều quốc gia, nhiều người tiêu dùng không dám mua hàng, song hiện nay, kinh tế thế giới trên đà phục hồi và các doanh nghiệp đang tăng cường tích trữ hàng hóa.

Với thị trường Việt Nam, theo tổng hợp của hãng phân tích dữ liệu thị trường IHS Markit, có tín hiệu tích cực từ tốc độ mở rộng sản xuất. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng tháng thứ 3 liên tiếp. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài tiếp tục tăng trong bối cảnh nhu cầu cải thiện. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan. Trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 104,94 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ 2020.

Đó là những tín hiệu cho thấy nhu cầu của thị trường quốc tế đang được cải thiện và nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được xu hướng này để tăng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu, góp phần nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 có thể làm chậm lại tốc độ mở rộng sản xuất.

Do đó, theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Economica Vietnam, bên cạnh các giải pháp chống dịch, đã đến lúc cần đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tài khóa để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Bộ Tài chính cho biết, năm 2020, cơ quan này đã đề xuất và được Chính phủ, Quốc hội đồng ý ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Đó là chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước…

Năm nay, một số chính sách tiếp tục được thực hiện như: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh...

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính cho biết đang theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí có tác động hỗ trợ rất rõ rệt, kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Đây không chỉ giải pháp cho vấn đề về kinh tế, tăng trưởng mà còn là giải pháp về an sinh xã hội, ổn định chính trị, xã hội trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trở lại nên doanh nghiệp trong nước vẫn rất khó khăn. Vì thế, bên cạnh các biện pháp như trên, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ đánh giá, xem xét tác động và tiếp tục mở rộng đối tượng được hỗ trợ, tiếp tục hoàn thiện các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, đặc biệt phải chú trọng doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ.

Còn theo TS. Lê Duy Bình, cần nhanh chóng đánh giá hiệu quả thực thi các chính sách tài khóa đã áp dụng, mức độ tác động của dịch đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm nay, nguồn lực ngân sách nhà nước để có chính sách hỗ trợ kịp thời và đúng đối tượng.

Ông Bình cho rằng, trong đợt dịch năm ngoái, một số chính sách chưa thực sự có hiệu quả. Đơn cử, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ giải ngân được gần 43 tỷ đồng từ gói tín dụng ưu đãi 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay trả lương. Do đó, bên cạnh việc sàng lọc đối tượng thụ hưởng để bảo đảm công bằng, cần tính đến mức độ khả thi của chính sách hỗ trợ.

“Việc cần làm đầu tiên là rà soát những đối tượng chịu tác động rõ rệt nhất. Chẳng hạn, 4 khu công nghiệp tại Bắc Giang vừa bị tạm ngừng hoạt động nên cần có chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp là đối tác của họ. Tiếp đó, có thể tính toán việc kéo dài thời hạn gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tăng mức giảm với các khoản phí đã và đang xem xét giảm, tăng các khoản vay hỗ trợ người lao động tại các doanh nghiệp này”, ông Bình đề xuất.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)