Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tình hình kinh doanh bê bết
Hiện Hapro đang nắm giữ 122.550 triệu CP Sứ Bát Tràng, tương đương 64,5% vốn điều lệ công ty này. Vốn điều lệ của Sứ Bát Tràng chỉ vỏn vẹn 1,9 tỷ đồng. Trong khi đó giá khởi điểm số lượng CP mà Hapro chào bán lên tới gần 17 tỷ đồng, vượt quá giá trị tổng tài sản Sứ Bát Tràng tại thời điểm cuối quý 1/2015.
Mức giá cao nhưng CP Sứ Bát Tràng khó có thể “ế”. Cho đến hiện tại, đã có ít nhất một cá nhân thông báo ý định gom toàn bộ số lượng CP này. Mức giá tối thiểu cá nhân này dự chi không được tiết lộ.
Khác với mức giá khủng được chào bán, tình hình kinh doanh của Sứ Bát Tràng không có nhiều điểm sáng, nếu không muốn nói là có phần u ám. Trong những năm gần đây, Sứ Bát Tràng kinh doanh không hiệu quả, doanh thu khiêm tốn. Công ty thường xuyên thua lỗ. Khoản lỗ năm 2013 và 2014 của Sứ Bát Tràng lần lượt là 375 triệu đồng và 485 triệu đồng. Trong quý 1/2015, Công ty tiếp tục lỗ thêm gần nửa tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 1/2015, Sứ Bát Tràng lỗ lũy kế 2,5 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ của Công ty tại cùng thời điểm. Vốn chủ sở hữu của Công ty chính thức âm 225 triệu đồng vào cuối quý 1/2015.
Nguyên nhân thua lỗ được lý giải là do ảnh hưởng chung của thị trường, giao dịch mua bán đối với mặt hàng gốm sứ kém sôi động, cạnh tranh gay gắt…
Theo phân tích của công ty tư vấn, các nguồn thu giảm trong khi chi phí thuê đất phải trả cho Nhà nước tăng cao, nên dự kiến lợi nhuận cho các năm tới của Sứ Bát Tràng sẽ không được cải thiện, khả năng đạt lợi nhuận là khó khả thi.
Được biết, năm 2016, Sứ Bát Tràng đặt mục tiêu lợi nhuận 100 triệu đồng. Lỗ lũy kế vẫn chưa được xóa, Công ty vẫn chưa tính đến việc chia cổ tức cho cổ đông. ¬
Giá trị của Sứ Bát Tràng nằm ở đâu?
Giá khởi điểm của CP Sứ Bát Tràng mà Hapro chào bán khiến không ít người hoài nghi. Với tổng giá trị tài sản gần 16,5 tỷ đồng, chưa đến 64% vốn CP của Công ty lại được chào bán với mức giá khởi điểm gần 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, có thể thấy giá trị tài sản của Công ty không chỉ có vậy. Vì vậy, giá trị CP của Sứ Bát Tràng được đẩy lên cũng không quá bất ngờ.
Theo báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị vốn chủ sở hữu và giá trị vốn nhà nước tại Sứ Bát Tràng, có khá nhiều thay đổi trong việc đánh giá giá trị của doanh nghiệp tí hon này. Sau những điều chỉnh của cơ quan định giá, giá trị thực tế phần vốn chủ sở hữu tại Sứ Bát Tràng (Tổng giá trị thực tế trừ Nợ thực tế phải trả) đã thực sự xoay chiều, từ con số âm 225 triệu đồng thành 26,8 tỷ đồng.
Có 2 khoản mục đáng chú ý được Công ty CP Thẩm định giá IVC Việt Nam cho rằng cần phải điều chỉnh: Một là, giá trị thực tế của Nhà cửa, vật kiến trúc: Tăng 6,6 tỷ đồng do đánh giá lại nguyên giá công trình theo đơn giá xây dựng mới. Hai là, giá trị lợi thế kinh doanh của khu đất tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm: Tăng 15,4 tỷ đồng.
Lô đất tại xã Đa Tốn có tổng diện tích gần 28 nghìn m2, trong đó 17.221 m2 đất để xây dựng xí nghiệp sản xuất hàng bán sứ cao cấp và 10.714 m2 đất để mở đường theo quy hoạch. Lô đất này đã được Sứ Bát Tràng sử dụng để hợp tác kinh doanh với CTCP Đầu tư phát triển Hạ tầng thương mại Hà Nội. Theo hợp đồng, diện tích hợp tác kinh doanh lô đất là 20.516 m2. Tổng lợi nhuận cố định tạm tính là 20,5 tỷ đồng.
Hiện tại dự án tại xã Đa Tốn chưa được triển khai, trên đất còn các hạng mục công trình nhà kho cũ đã xuống cấp không sử dụng được nên IVC Việt Nam đã không đánh giá lại các hạng mục công trình này.
Theo đánh giá của IVC Việt Nam, khu đất này chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng vẫn có khả năng khai thác lợi ích kinh tế từ khu đất theo nguyên tắc “sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất”.
Nguyên tắc sử dụng mảnh đất gần 28 nghìn m2 tại xã Đa Tốn thực ra mới là “con gà đẻ trứng vàng”, là tài sản tiềm năng của Sứ Bát Tràng. Ngoài mảnh đất này, Sứ Bát Tràng còn có 9 khi đất thuê khác. Tuy nhiên, hầu hết các hợp đồng đều đã hết thời hạn thuê.
Câu chuyện “đất vàng” có vẻ đã không còn mới
Đầu tháng 3, thông tin SCIC thoái vốn khỏi Công ty CP Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội (Hapharco) cũng thu hút sự chú ý với giá khởi điểm lên tới 102.000 đồng/CP. Tuy nhiên, với Hapharco, ngoài tiềm năng là các mảnh đất vàng tại trung tâm Hà Nội mà doanh nghiệp này đang sở hữu, tình hình kinh doanh của Hapharco tương đối tốt với chỉ số EPS luôn ở mức cao.
Trường hợp của Sứ Bát Tràng tương đối thú vị khi ngoài tiềm năng về đất đai, công ty hầu như “chẳng có gì”. Sau khi Sứ Bát Tràng được chính thức đổi chủ, tình hình thực hiện dự án trên mảnh đất tại xã Đa Tốn mới là thông tin được nhà đầu tư thực sự quan tâm.