Cần tạo điều kiện cho các DN dẫn đầu chuỗi giá trị trong nước trở thành những người chơi quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu… Ảnh: Lê Tiên |
Nhìn vào năng lực cạnh tranh, sự tham gia vào chuỗi giá trị của các DN Việt Nam ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - một ngành công nghiệp được coi là đầu kéo tăng trưởng - hiện nay lại cho thấy còn nhiều hạn chế. Việt Nam vẫn chủ yếu tham gia những công đoạn giản đơn, giá trị gia tăng thấp. Thực trạng này rất đáng lo ngại, nếu không được hóa giải để bứt phá trong thời gian tới.
Khoảng cách so sánh còn rất lớn
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự cải thiện rõ rệt về năng suất và khả năng cạnh tranh trong những năm gần đây, song khoảng cách với các nước so sánh (các nước có thu nhập trung bình và các nước phát triển) vẫn còn lớn. Các nghiên cứu cho thấy, xếp hạng chỉ số cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam cải thiện từ gần 100 vào năm 1990 lên gần 40 (gần với xếp hạng của Ấn Độ và Indonesia) vào năm 2015.
Tại Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy tăng năng suất quốc gia đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến rộng rãi đánh giá, tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức bình quân của Singapore (1,4%/năm), Malaysia (2%/năm), Thái Lan (3,2%/năm), Indonesia (3,6%/năm), Philippines (4,4%/năm). Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.
Tuy nhiên, trong các chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo khác, đặc biệt là NSLĐ, Việt Nam tụt lại sau các nước so sánh. Được đánh giá cao hơn Bangladesh, nhưng NSLĐ ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn chỉ bằng khoảng 1/4 NSLĐ của Trung Quốc và Malaysia, 1/3 của Indonesia và Philippines, 1/2 của Ấn Độ và Thái Lan, và chỉ khoảng 7% của Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) tăng tốc đang tạo nguy cơ mất các việc làm có kỹ năng đơn giản trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thì phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ sẵn sàng đối với cuộc CMCN4.0 còn thấp.
Khả năng cạnh tranh của các tiểu ngành chế biến, chế tạo còn nhiều điều đáng lưu ý. Điển hình là với ngành điện tử - tiểu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có đóng góp doanh thu và giá trị gia tăng cao nhất, xuất khẩu ròng dương lớn nhất, nhưng lại bị chi phối bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chủ yếu “cạnh tranh” ở trong công đoạn lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Thực tế, các tiểu ngành công nghiệp điện tử tập trung vào lắp ráp các thiết bị điện tử gia dụng cho thị trường nội địa (để thay thế nhập khẩu). Da giày, dệt may cũng là tiểu ngành chính của công nghiệp chế biến, chế tạo về xuất khẩu, tạo việc làm, doanh thu và tỷ trọng giá trị gia tăng. Ở tiểu ngành này, DN Việt Nam cũng chủ yếu tập trung vào công đoạn sản xuất sản phẩm cuối cùng (theo đơn đặt hàng của các DN nước ngoài) trong chuỗi giá trị.
Sản xuất đồ gỗ/đồ nội thất, chế biến thực phẩm và đồ uống hiện là các tiểu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lớn thứ tư và thứ năm của Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp FDI tham gia khá mạnh với tỷ trọng giá trị gia tăng tương ứng là 57 và 58,3%, nhưng liên kết với các DN trong nước còn kém. Không tươi sáng hơn các tiểu ngành trên, tiểu ngành cơ khí, thiết bị điện, sản xuất và thiết bị máy móc khác, thiết bị y tế chính xác và lắp đặt máy móc có khả năng cạnh tranh thấp…
Hướng về phía trước
Vậy làm gì để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa? Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam nên ưu tiên nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Đặc biệt, cần coi tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm chiến lược tăng trưởng của Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu này, trong cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), phải tập trung vào việc tăng cường hiệu quả và hiệu suất của DNNN, đặc biệt là những DN ở công đoạn cao hơn hoặc dẫn đầu chuỗi giá trị nội địa với năng suất và khả năng cạnh tranh tương đối cao, gia tăng mối liên kết xuôi - ngược của các DNNN này với các doanh nghiệp khác trong nước.
Đầu tư công thay vì chèn lấn đầu tư tư nhân trong nước, nên hướng tập trung vào khuyến khích tư nhân mở rộng kinh doanh và nâng cấp công nghệ. Chẳng hạn như đầu tư công vào phát triển hạ tầng CNTT/viễn thông, thanh toán điện tử và ngân hàng điện tử nhằm giúp các DNTN, nhất là các DN vừa và nhỏ sẵn sàng đối với CMCN4.0...
Bên cạnh đó, chuyển trọng tâm thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng và gia tăng liên kết giữa các DNTN trong nước và DN FDI. Yếu tố quan trọng nhất của các DN FDI chất lượng cao là quan hệ đối tác lâu dài với các DN địa phương như các đối tác đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI. Chiến lược tiếp cận đôi bên cùng có lợi như vậy nhằm hỗ trợ phát triển năng lực của các DN trong nước và kết nối họ với tư cách là nhà cung cấp cấp một cho các doanh nghiệp FDI đang dẫn đầu các chuỗi giá trị toàn cầu.
Giải pháp quan trọng khác là cần ưu tiên phát triển DNTN trong nước. Các mục tiêu chính sách chính cần hỗ trợ các DNTN trong nước tăng trưởng về quy mô, đẩy nhanh quá trình chính thức hóa, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh thông qua phát triển các chuỗi giá trị địa phương, cải thiện các liên kết trong và chuyển dịch đi lên trong các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Bên canh đó, cần chú trọng tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các DN lớn dẫn đầu chuỗi giá trị trong nước và trở thành những người chơi quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu…