Giá xăng dầu là nhân tố cảnh báo có thể khiến lạm phát tăng. Ảnh: Nhã Chi |
Ý kiến chia sẻ của các chuyên gia kinh tế dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những góc nhìn đa chiều về vấn đề này.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính
Trước hết, CPI tháng 5/2018 tăng do đang có yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số CPI. Năm ngoái, các ngân hàng giải ngân nhiều, tăng trưởng tín dụng cao đẩy một lượng tiền rất lớn vào lưu thông. Lượng tiền đó đang tác động mạnh đến CPI năm 2018.
Thứ hai, tháng 5/2018 cũng là tháng nền kinh tế bắt đầu nhập siêu và khả năng từ nay đến cuối năm nhập siêu vẫn có thể tiếp tục tăng, sẽ ảnh hưởng tới nhập khẩu và nền kinh tế. Khả năng nhập siêu tăng sẽ khiến CPI bị ảnh hưởng mạnh. Bởi lẽ, tỷ giá đang có chiều hướng tăng, mà tỷ giá tăng thì những nhà nhập khẩu phải đổi USD, mua USD với giá cao hơn nhằm thanh toán nhập khẩu, từ đó giá của hàng nhập khẩu sẽ chung hòa vào giá cả của nền kinh tế, làm tăng CPI.
Với những yếu tố đó, tôi cho rằng, có thể năm 2018 chúng ta khó có thể giữ được lạm phát ở mức 4% như chỉ tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn có quá sớm để có được những dự báo chắc chắn, bởi lẽ lượng tiền vào lưu thông vẫn có thể được điều hòa bởi Ngân hàng Nhà nước qua nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể hút được dòng tiền vào thông qua bán trái phiếu chính phủ, nên có thể điều hòa được dòng tiền đang tăng mạnh trong nền kinh tế.
Ngoài giải pháp trên, chính sách tài khóa phải phối hợp với chính sách tiền tệ để đưa ra một lượng tiền vừa đủ.
Tiếp nữa, tín dụng 5 tháng năm 2018 dù tăng trưởng chậm hơn 2017 nhưng là điều tích cực. Tín dụng tăng mạnh thì sẽ gây áp lực lên lạm phát. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể siết tín dụng để kiểm soát lạm phát chặt chẽ hơn.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia
CPI tăng mạnh trong tháng 5/2018 chủ yếu là do biến động quốc tế và giá những mặt hàng do Nhà nước quản lý tăng giá. Tính chung, từ đầu năm giá lương thực thực phẩm đều tăng, đóng góp tới 36% vào rổ hàng hóa về tiêu dùng. Bên cạnh đó, giá hàng hóa do Nhà nước quản lý như giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu… đều tăng.
Tất cả những yếu tố này cho thấy, việc CPI tăng không phải do bị chính sách tiền tệ tác động. Nhìn chung, lãi suất ổn định, tín dụng không có nhiều biến động. Do đó, nhìn ở góc độ CPI tăng tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô thì chưa thấy có vấn đề. CPI tăng chủ yếu là do tác động từ bên ngoài, nhất thời. Điều hành chính sách nhìn chung chưa thấy nhiều tác động có tính chất nguy cơ, rủi ro, mà tác động chủ yếu đến từ chi phí đẩy.
Tôi cho rằng, lo ngại lạm phát năm 2018 vượt 4% là không lớn. Những yếu tố tăng giá điện, dịch vụ y tế… là hoàn toàn kiểm soát được. Do đó, Chính phủ hoàn toàn kiểm soát được mức tăng và nhịp độ tăng CPI để đạt chỉ tiêu lạm phát dưới 4% như Quốc hội đặt ra.
Tuy nhiên, đang có một biến số với kiểm soát lạm phát là giá dầu từ đầu năm tăng khá mạnh, cộng thêm rủi ro là nếu Quốc hội “bấm nút” tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu… có thể tác động đến lạm phát từ nay tới cuối năm.
Để kiểm soát lạm phát, trước hết, chúng ta phải có giải pháp là bước đệm với việc có thể chưa tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu; trích Quỹ bình ổn để điều hòa, tránh sốc tăng giá cho nền kinh tế.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính thuộc Học viện Tài chính
Lạm phát cơ bản trong tháng 5 chỉ ở mức 0,11%, thấp hơn rất nhiều mức tăng CPI chung là 0,55%. Điều này cho thấy, tổng cầu chưa có gì đột biến và việc CPI tăng mạnh trong tháng 5 có tác động của một số yếu tố mang tính nhất thời. Chẳng hạn, giá dầu tăng trong 3 tuần đầu tháng 5 đã khiến lạm phát tổng thể cao hơn, nhưng trong mấy ngày qua, giá dầu lại đang giảm mạnh. Và yếu tố này sẽ có tác động kìm hãm đà tăng của CPI trong tháng 6 tới.
Trong trung và dài hạn, lạm phát tổng thể sẽ xoay quanh mức lạm phát cơ bản. Với lạm phát cơ bản trong 12 tháng qua chỉ ở mức 1,37%, cách khá xa so với mức 4%, tôi tin mục tiêu kiềm chế lạm phát là khả thi. Giá dầu tăng, rồi giá dầu lại giảm. Với giá thực phẩm cũng vậy. Nếu nó tăng mạnh, thì sau một thời gian ngắn nguồn cung sẽ tăng theo và lại kéo giá xuống. Khi tổng cầu trong nước không quá mạnh như trong giai đoạn 2006 - 2011, giá thực phẩm sẽ khó tăng mạnh đến mức đột biến. Giá dầu thế giới cũng sẽ khó tăng liên tục khi nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ vẫn đang rất dồi dào.
Mọi thứ, theo tôi, vẫn đang nằm trong tầm tay của Chính phủ, các chính sách hiện nay là đủ để kiểm soát lạm phát dưới mức 4%. Còn nếu cẩn thận hơn, Chính phủ có thể tăng sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng trở lại.
TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế
Trong tháng 5/2018, CPI tăng 0,55% so với tháng trước và tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017. So sánh chỉ số này với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra trong năm nay là dưới 4% cho thấy dư địa còn lại trong 7 tháng rất ít. Trong khi đó, khi xem xét những nhân tố có thể làm CPI tăng thì lại có nhiều.
Trước hết, giá xăng dầu là nhân tố cảnh báo có thể khiến lạm phát tăng và khó giữ mức 4%. Hiện nay, giá xăng dầu đang ở mức cao và tiếp tục có xu hướng tăng lên. Nếu Bộ Tài chính quyết định đưa thêm 1.000 đồng vào 1 lít xăng thì CPI tăng rất mạnh. Chưa kể, các yếu tố khác từ bên ngoài còn phức tạp.
Về phía trong nước, hiện giá dịch vụ y tế, học phí vẫn có xu hướng tăng. Thêm vào đó, giá điện chưa biết sẽ diễn biến như thế nào, lương cũng sẽ tăng… đều có thể tác động. Do đó, năm 2018, khả năng giữ được lạm phát mục tiêu đặt ra là thách thức lớn. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần có chính sách điều hành cẩn trọng, nhất là điều chỉnh giá cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần giữ nghiêm kỷ luật tài chính.