Ảnh Internet |
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,5% trong tháng 1/2023, tương ứng với mức tăng hàng năm là 6,4%. Trước đó, các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng tương ứng là 0,4% và 6,2%.
Trong khi đó, chỉ số CPI cơ bản - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - trong tháng 1 tăng 0,4% so với tháng trước và 5,6% so với cùng kỳ năm trước, so với các ước tính tương ứng là 0,3% và 5,5%.
Giá cả tăng đồng nghĩa với tiền lương thực tế của người lao động suy giảm. Theo Bộ Lao động Mỹ, thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động trong tháng 1 đã giảm 0,2% so với tháng trước và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù tình trạng tăng giá đã giảm bớt trong những tháng gần đây, nhưng dữ liệu của tháng 1 cho thấy lạm phát vẫn là một tác nhân khiến nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Điều đó đã xảy ra bất chấp những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong việc kiềm chế lạm phát. Fed đã tăng lãi suất cơ bản 8 lần kể từ tháng 3/2022 khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 41 năm vào mùa Hè năm ngoái.
Fed: "Cuộc chiến chống lạm phát sẽ còn mất nhiều thời gian"
"Lạm phát đang giảm bớt nhưng con đường phía trước có thể sẽ không suôn sẻ. Fed sẽ không đưa ra quyết định chỉ dựa trên một báo cáo, nhưng rõ ràng rủi ro đang gia tăng khiến lạm phát sẽ không hạ nhiệt đủ nhanh theo ý định của Fed", Nhà kinh tế trưởng Jeffrey Roach tại LPL Financial nhận xét.
Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây đã nói về các yếu tố giúp “giảm lạm phát” đang diễn ra, nhưng số liệu lạm phát tháng 1 vừa công bố cho thấy, ngân hàng trung ương này vẫn còn nhiều việc phải làm.
Các thị trường hiện đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong hai cuộc họp tiếp theo vào tháng 3 và tháng 5. Điều đó sẽ cho các nhà hoạch định chính sách thời gian để theo dõi các tác động kinh tế rộng lớn hơn của việc thắt chặt chính sách tiền tệ trước khi quyết định tiến hành như thế nào. Nếu lạm phát không giảm trở lại, điều này có thể có nghĩa là Fed phải tăng lãi suất nhiều hơn.