Lập chốt kiểm soát nhưng đừng gây khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ hôm nay, (14/7), TP. Hà Nội lập 22 chốt để kiểm soát người ra vào Thành phố, nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19. Các chốt trực sẽ đề nghị người dân về Hà Nội kê khai y tế, đo thân nhiệt; các trường hợp nghi vấn, biển số tỉnh vùng dịch đề nghị quay lại hoặc phải có xét nghiệm âm tính. Theo ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, những giải pháp đó là cần thiết song thủ tục thực hiện cần hết sức đơn giản, thuận tiện.
Các chốt trực sẽ đề nghị người dân về Hà Nội kê khai y tế, đo thân nhiệt. Ảnh: Internet
Các chốt trực sẽ đề nghị người dân về Hà Nội kê khai y tế, đo thân nhiệt. Ảnh: Internet

Theo ông, những giải pháp này có gây trở ngại nhiều với doanh nghiệp vận tải không?

Chúng tôi hoan nghênh các giải pháp của Nhà nước về kiểm soát lưu lượng hành khách đi từ vùng này sang vùng kia, đặc biệt là đi từ vùng có dịch về. Có thể nói, đó là một kế hoạch hết sức chi li, cụ thể, sát sao, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với người dân và cộng đồng.

Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất, chủ trương như vậy là đúng nhưng cần tính cách làm thật thuận lợi cho người dân, để doanh nghiệp vẫn tiếp tục được hoạt động thuận lợi. Hàng ngày, các cơ quan chức năng và địa phương nên công bố cụ thể nội dung về việc phân luồng giao thông để người dân biết và lựa chọn phương tiện sử dụng, doanh nghiệp vận tải lựa chọn tuyến đường lưu thông.

Điều này cần có sự vào cuộc của Tổng cục Đường bộ với vai trò là đại diện Bộ Giao thông vận tải, đơn vị này nên nắm về thông báo phân luồng theo chỉ đạo địa phương và công bố rộng rãi. Chẳng hạn, công bố rõ là loại phương tiện nào không được đi qua tỉnh, thành, quận huyện nào, nếu đi qua thì cần giấy tờ gì để người dân và doanh nghiệp chuẩn bị. Đó là điều thiết thực nhất với doanh nghiệp vận tải và cả người dân hiện nay. Việc này nếu làm chậm trễ và không cập nhật kịp thời thì người dân sẽ lúng túng, doanh nghiệp thì nằm chờ vì không biết hoạt động theo hướng nào.

Diễn biến dịch bệnh phức tạp đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội Vận tải Hà Nội có đề xuất hỗ trợ gì cho doanh nghiệp không, thưa ông?

Tình thế của nhiều doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội rất rất khó khăn khi doanh thu sụt giảm do dịch Covid-19, một số doanh nghiệp bán xe để trả nợ ngân hàng nhưng với tình hình người dân hạn chế đi lại, có bán cũng không ai mua.

Các chính sách hỗ trợ đã được triển khai từ năm ngoái đến nay song kết quả vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, doanh nghiệp vận tải phải giữ được doanh nghiệp, phải giữ được người lao động mới có thể cùng nền kinh tế phát triển.

Dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều ngành được hỗ trợ kịp thời, nhưng ngành vận tải hầu như chưa có một chính sách hỗ trợ riêng, trong khi lại phải chịu thêm nhiều chi phí sẽ khiến doanh nghiệp lao đao. Những điều kiện kinh doanh hay các loại phí có nhất thiết phải áp dụng ngay trong thời điểm này hay không, khi doanh nghiệp đang thoi thóp. Nhà nước nên chọn một thời điểm thích hợp áp dụng các chính sách để hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp vận tải...

Do đó, với các điều kiện kinh doanh mới chưa thực sự cần thiết gây phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp thì có thể lùi thời hạn áp dụng để hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp vận tải.

Dịch bệnh rất khó đoán định. Chúng tôi mong các cơ quan, ban ngành hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dài hạn hơn, kéo dài thời hạn gia hạn nợ, hoặc khoanh nợ để doanh nghiệp có thể tồn tại và tiếp tục phát triển. Chúng tôi muốn kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể tính đến các giải pháp như giảm phí, thuế, giảm lãi suất cho vay, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%...

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục