Lấp kẽ hở xin cho trong hoạt động ngoại thương

(BĐT) - Cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Quản lý ngoại thương, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng tên gọi của Dự thảo Luật bộc lộ tính chất quản lý nhà nước hơn là tạo điều kiện cho ngoại thương phát triển. 
Doanh nghiệp kỳ vọng Luật Quản lý ngoại thương không gia tăng thêm tầng nấc quản lý đối với hoạt động ngoại thương mà hỗ trợ hoạt động này phát triển . Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp kỳ vọng Luật Quản lý ngoại thương không gia tăng thêm tầng nấc quản lý đối với hoạt động ngoại thương mà hỗ trợ hoạt động này phát triển . Ảnh: Lê Tiên

Điều này dễ dẫn đến cách hiểu đi ngược lại với tinh thần thực hiện các quyền tự do trong kinh doanh của doanh nghiệp (DN). 

Đề cao phát triển ngoại thương hơn quản lý

Đại biểu Đỗ Văn Bình (TP. Hải Phòng) khẳng định quan điểm, xây dựng Luật Quản lý hoạt động ngoại thương không chỉ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường quản lý của nhà nước về hoạt động ngoại thương mà còn góp phần hoàn thiện chính sách phát triển ngoại thương. Với tên gọi là Luật Quản lý ngoại thương có thể sẽ gây hiểu Luật chỉ tập trung về phần quản lý, còn về phần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tạo điều kiện để ngoại thương phát triển thì chưa được quan tâm thỏa đáng. Trên quan điểm như vậy, ông Bình đề nghị nên chỉnh sửa tên gọi từ Luật Quản lý ngoại thương thành Luật Ngoại thương.

Đồng quan điểm này, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nhận định, với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật như hiện nay là quá đề cao quản lý của nhà nước. Điều này đi ngược lại với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, chuyển từ quản lý là chủ đạo sang xây dựng một Chính phủ phục vụ người dân và DN là chủ yếu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, nếu luật này được Quốc hội thông qua sẽ là một trong số rất ít các sắc luật mang tên "Luật quản lý", nhấn mạnh nhu cầu quản lý. Tuy nhiên, Dự thảo Luật hiện tại không chỉ đề cập tới nội dung quản lý mà còn đề cập tới nhiều biện pháp khuyến khích thúc đẩy phát triển ngoại thương và phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân trong lĩnh vực ngoại thương. Vì vậy, theo ông Lộc, sẽ là hợp lý nếu Luật Quản lý ngoại thương được gọi là Luật Ngoại thương, giống như tên gọi phổ biến của các luật chuyên ngành khác mà Quốc hội ban hành.

Không cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) lại bày tỏ nhất trí với tên gọi và phạm vi điểu chỉnh của Dự án Luật như hiện tại. Theo đại biểu này, tên gọi Luật Quản lý ngoại thương đã bao quát được các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua, bán hàng hóa quốc tế. Tên gọi này cũng phù hợp với phạm vi điều chỉnh với ý nghĩa là đạo luật quy định có công cụ quản lý nhà nước về hoạt động ngoại thương, điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa nhà nước và thương nhân; phân phối, phân công giữa các cơ quan nhà nước về quản lý ngoại thương. 

Phải tạo thông thoáng cho doanh nghiệp kinh doanh

Góp ý hoàn thiện về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật hiện còn ôm đồm quá nhiều vấn đề không cần thiết và không hiệu quả. “Điều này vô hình trung đã khoác thêm nhiều tròng quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương, hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ” – ông Lộc phát biểu.

Đại biểu đoàn Thái Bình cũng cho rằng, có những vấn đề quản lý mặc dù liên quan tới ngoại thương nhưng mang tính chất đặc thù đã được quy định ổn định trong các văn bản khác nhưng vẫn tiếp tục được thiết kế vào Dự thảo Luật. Cách làm này vừa khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh vì thêm quy định, giăng thêm lưới quản lý, “các bộ quản rồi, Bộ Công Thương lại quản thêm, quản chồng lên quản”.

Với mục tiêu của Luật là để hệ thống hóa quản lý, không phải gia tăng thêm tầng nấc quản lý đối với hoạt động ngoại thương, ông Lộc nhận định, nhiều vấn đề không chỉ liên quan tới ngoại thương mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, nay quy định vào Luật sẽ thành xé lẻ cơ chế quản lý, làm giảm hiệu quả chung.

Cho ý kiến tập trung vào các biện pháp hành chính trong quản lý ngoại thương vì đây là những nội dung sẽ liên quan trực tiếp đến việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực DN, đại biểu Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) đánh giá, những biện pháp trong Dự án Luật còn quy định rất chung.

Đại biểu này dẫn chứng, biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất, nhập khẩu được quy định nhằm đáp ứng các yêu cầu về quản lý, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, chống chuyển tải bất hợp tác, chống gian lận thương mại. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại chưa đề cập đến các tiêu chí, điều kiện để xác định được cửa khẩu nào tương ứng cho các hàng hóa này; không làm rõ được các tiêu chí để xác định những mặt hàng nào thì phải quản lý theo giấy phép, tổ chức nào được cấp phép và số lượng hàng hóa được cấp phép là bao nhiêu. Điều này rất dễ tạo kẽ hở xin - cho trong việc thực hiện sau này.

Tin cùng chuyên mục