Nợ phải trả tại thời điểm 30/6/2019 của Licogi là 4.124 tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang |
Lỗ lũy kế hơn 600 tỷ đồng
Báo cáo tài chính mới đây của Licogi cho thấy kết quả kinh doanh thiếu tích cực. Cụ thể, doanh thu quý II/2019 giảm tới 35%, từ 624 tỷ đồng về 406 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính, Licogi lỗ tới gần 27 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, Công ty vẫn còn lãi 42,6 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Licogi đã lỗ 67,5 tỷ đồng. Đây là những kết quả kém tích cực, đặc biệt so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 thông qua (doanh thu 2.853 tỷ đồng, lãi trước thuế 69 tỷ đồng).
Với kết quả trên, lỗ lũy kế của Licogi tính đến thời điểm cuối quý II/2019 đã lên tới 600 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ còn 300 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số vốn điều lệ 900 tỷ đồng.
Trong khi đó, dự án trọng điểm Khu đô thị Thịnh Liệt của Licogi cũng không có nhiều chuyển biến so với thời điểm đầu năm. Báo cáo tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Licogi mới chỉ rót thêm vào dự án này khoảng 40 tỷ đồng.
Áp lực nợ vay
Kinh doanh mất vốn cũng khiến tình hình tài chính của Licogi trở nên “căng thẳng”, khi tổng nợ phải trả tại thời điểm 30/6/2019 đã gấp hơn 10 lần vốn chủ sở hữu, đạt 4.124 tỷ đồng. Trong đó chỉ tính riêng nợ phải trả ngắn hạn đã là 3.678 tỷ đồng. Còn nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn lên tới 1.830 tỷ đồng, gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu.
Mặc dù báo cáo tài chính mới nhất của Licogi không có thuyết minh cụ thể về các chủ nợ, song báo cáo đã kiểm toán 31/12/2018 cho biết, nhiều ngân hàng đang “kẹt” tiền tại Licogi. Có thể kể đến là BIDV cho Công ty mẹ - Licogi và các công ty con vay khoảng 580 tỷ đồng, Agribank khoảng 200 tỷ đồng, Vietcombank 177 tỷ đồng. Ngoài ra, VietinBank và MBBank cũng đang là chủ nợ của Licogi với số tiền lần lượt khoảng 60 và 40 tỷ đồng.
Với tình hình kinh doanh không mấy tích cực trong nửa đầu năm, số dư nợ vay của Licogi thời điểm 30/6/2019 với nhóm ngân hàng đề cập trên, nhiều khả năng sẽ không có thay đổi nhiều so với thời điểm đầu năm.
Trong khi áp lực nợ vay là không nhỏ, tài sản ngắn hạn của Licogi chỉ còn 2.149 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tổng nợ phải trả ngắn hạn. Bên cạnh đó, chiếm phần lớn tài sản ngắn hạn là các khoản phải thu (1.164 tỷ đồng), hàng tồn kho (788 tỷ đồng), còn số dư tiền chỉ khoảng 150 tỷ đồng. Điều đó cho thấy Licogi đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là các khoản nợ có kỳ hạn dưới 1 năm.
Theo một báo cáo trước đó về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Licogi năm 2017 và nửa đầu năm 2018, Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, Công ty mẹ - Tổng công ty Licogi đang gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là nợ có kỳ hạn dưới 3 tháng, do tài sản ngắn hạn chủ yếu là nợ phải thu và hàng tồn kho, số dư tiền và các khoản tương đương tiền tại ngày 30/6/2018 chỉ khoảng 40 tỷ đồng.