Liên tục bị tố bội tín, Gamuda Land vẫn thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không có quá nhiều dự án tại Việt Nam, chỉ gồm Dự án Gamuda City (Hà Nội) và Dự án Celadon City (TP.HCM), tuy nhiên, việc liên tục phát sinh mâu thuẫn với khách hàng khiến nhiều người đặt dấu hỏi về Tập đoàn Gamuda Berhad đang làm ăn thế nào tại Việt Nam?
Celadon City TP.HCM là một trong hai dự án đóng góp lớn nhất cho doanh số bán hàng ở nước ngoài của Gamuda Land. Ảnh Internet
Celadon City TP.HCM là một trong hai dự án đóng góp lớn nhất cho doanh số bán hàng ở nước ngoài của Gamuda Land. Ảnh Internet

Việt Nam - thị trường “béo bở” của Gamuda Land

Báo cáo tài chính gần kết thúc vào ngày 30/4/2020 của Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) - Công ty mẹ của Gamuda Land Việt Nam cho thấy, 9 tháng đầu năm tài chính kết thúc vào ngày 31/7, Gamuda Land mang về cho công ty mẹ 1,2 tỷ Ringgit (RM), tương đương với hơn 6.700 tỷ đồng. Trong đó, Gamuda City Hà Nội và Celadon City TP.HCM là hai dự án đóng góp lớn nhất cho doanh số bán hàng ở nước ngoài của Gamuda Land.

Trong báo cáo thường niên hàng năm, ban lãnh đạo Gamuda Berhad cũng khẳng định doanh thu của Tập đoàn được hỗ trợ bởi doanh số bán bất động sản vững mạnh tại Việt Nam.

Riêng năm tài chính 2018 - 2019 kết thúc vào ngày 31/7/2019, Gamuda Land ghi nhận doanh thu 3,1 tỷ RM, thấp hơn mức 3,6 tỷ RM năm liền kề trước đó; lợi nhuận đạt 65 triệu RM. Trong đó, hai dự án tại Việt Nam góp hai phần ba tổng số doanh số bán hàng bất động sản, khoảng 1,2 tỷ RM.

“Các dự án Gamuda Gardens đã có sự cải thiện về tỷ lệ hấp thụ, hỗ trợ cải thiện dòng tiền hoạt động kinh doanh của Công ty”, báo cáo nêu rõ.

Trong một bài báo năm 2017, New Straits Times cho biết, sau khi đối mặt với nhiều thách thức tại Việt Nam trong các năm 2013 và 2014, Gamuda Land đã có sự phục hồi mạnh mẽ về doanh số bất động sản khi đạt 125 triệu USD vào năm 2015 và 220 triệu USD trong 2016 tại quốc gia Đông Nam Á này. Đồng thời, mục tiêu doanh thu hàng năm hơn 400 triệu USD kể từ năm tài chính 2019 trở đi.

Nhưng vẫn “thiếu tôn trọng” khách hàng?

Tháng 12/2007, Tập đoàn Gamuda Berhad chính thức tiến quân vào thị trường Việt Nam bằng giấy phép triển khai Dự án Công viên Yên Sở theo phương thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) do Hà Nội cấp. Công ty Gamuda Land Việt Nam sẽ xây dựng 2 hạng mục là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và Công viên Yên Sở. Đổi lại, Gamuda Land sẽ được triển khai xây dựng và kinh doanh Khu đô thị Gamuda City ngay bên cạnh công viên. Gamuda City có tổng diện tích 480ha, chia làm 3 khu, bao gồm: Khu C1 có diện tích 73ha, khu C2 có diện tích 84ha và khu công viên rộng 320ha.

Ở thời điểm đó, giá bán ra mắt dự án được giới đầu tư đánh giá là khá đắt đỏ khi Gamuda Land đẩy lên mức 43 - 63 triệu đồng/m2 trong bối cảnh giá bất động sản giảm mạnh sau khủng hoảng giai đoạn 2011 - 2013. Cho đến thời điểm hiện tại, giá các căn hộ chung cư tại Gamuda Garden dù đã hạ nhiệt, giá biệt thự liền kề dao động khoảng 100 triệu đồng/m2, song mức giá này vẫn được xem là khá cao bởi vị trí địa lý của Gamuda Garden chưa thật sự thuận tiện, các tiện ích chưa được đồng bộ.

Trong khi đó, từ khi thi công bàn giao đến nay, Gamuda Land liên tiếp xảy ra mâu thuẫn với khách hàng mà nguyên nhân chủ yếu đến từ phía chủ đầu tư Malaysia.

Mới đây, nhiều khách hàng mua căn hộ liền kề (cư dân) tại Khu ST5 Dahlia Homes thuộc Dự án Khu đô thị mới C2 Gamuda Gardens (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam đã bàn giao nhà thiếu diện tích cho cư dân, thi công chiều cao sai chuẩn.

Đặc biệt, Gamuda Land đã có sai phạm nghiêm trọng về việc huy động vốn trái phép khi ký hợp đồng mua bán với hàng trăm khách hàng gần một năm trời mới được thẩm định thiết kế cơ sở. Điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản quy định: Điều kiện bắt buộc để đưa bất động sản vào kinh doanh là phải có thiết kế bản vẽ thi công được cơ quan có cấp thẩm quyền phê duyệt, có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án…

Sau nhiều lần kiến nghị Gamuda Land nhằm đảm bảo quyền lợi, thay vì tiếp thu ý kiến cư dân, lãnh đạo Gamuda Land đã dọa đơn phương chấm dứt hợp đồng, thu hồi nhà và yêu cầu khách hàng phải bỏ đi. Mâu thuẫn kéo dài gần một năm chưa rõ hồi kết. Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, Thanh tra Hà Nội sẽ làm việc với Gamuda Land trong thời gian gần nhất.

Tại Dự án Celadon City (TP.HCM), cuối năm 2019, Thanh tra Chính phủ cũng đã yêu cầu thu hồi hơn 500 tỷ đồng tại dự án này liên quan đến việc khấu trừ tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng do Gamuda Land làm chủ đầu tư.

Tin cùng chuyên mục