Lilama thoái vốn loạt doanh nghiệp, dồn lực tái cơ cấu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đang quyết liệt thoái vốn tại loạt công ty con và công ty liên kết, bao gồm Công ty CP Tư vấn quốc tế LHT, Công ty CP Lắp máy - Thí nghiệm cơ điện và Thủy điện Hủa Na, nhằm thực hiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Lilama nỗ lực tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại sau giai đoạn khó khăn.
Quý I/2025, Lilama ghi nhận 2.326 tỷ đồng doanh thu và 50,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Nhã Chi
Quý I/2025, Lilama ghi nhận 2.326 tỷ đồng doanh thu và 50,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Nhã Chi

Thoái vốn loạt doanh nghiệp

Hội đồng quản trị (HĐQT) Lilama vừa thông qua Nghị quyết thoái vốn tại Công ty CP Tư vấn quốc tế LHT, Công ty CP Lắp máy - Thí nghiệm cơ điện. Theo đó, Lilama sẽ bán toàn bộ 576.000 cổ phần (tương ứng 60% vốn điều lệ) LHT với giá khởi điểm 9.100 đồng/cổ phần. Tại Công ty CP Lắp máy - Thí nghiệm cơ điện, Lilama sẽ bán 542.750 cổ phần (tương ứng 36,18% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 81.000 đồng/cổ phần.

Bên cạnh đó, HĐQT Lilama cũng thông qua Nghị quyết gia hạn thời gian chào bán cổ phiếu ra công chúng của Công ty tại Công ty CP Thủy điện Hủa Na từ 90 ngày lên 120 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng số 64/GCN-UBCKNN (19/3/2025). Trước đó, Lilama đã thông báo bán đấu giá 8,7 triệu cổ phần Thủy điện Hủa Na (tương ứng 3,7% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 33.200 đồng/cổ phần. Nếu các thương vụ trên thành công, Lilama có thể thu về ít nhất 338,7 tỷ đồng.

Việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của Lilama đầu tư tại các doanh nghiệp trên nhằm thực hiện Đề án cơ cấu lại Lilama giai đoạn 2021 - 2025 được Bộ Xây dựng thông qua tại Văn bản số 5360/BXD-KHTC ngày 23/11/2023. Theo đó, Lilama sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu 36% vốn điều lệ tại 2 công ty liên kết là Lilama 10, Lilama 18 và thoái toàn bộ vốn đầu tư tại các công ty còn lại.

Báo cáo của Lilama cho biết, thời gian qua, HĐQT Lilama rất quyết tâm và quyết liệt trong công tác tái cấu trúc, thoái vốn, tuy nhiên kết quả khó đạt được như kỳ vọng vì một mặt, các khoản đầu tư vốn Lilama muốn thoái chưa có sức hấp dẫn do hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, tình hình tài chính khó khăn. Mặt khác, việc thoái vốn tại một số đơn vị theo phương thức đấu giá công khai còn gặp nhiều vướng mắc do phải tuân thủ quy định của Luật Chứng khoán (hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán), dẫn đến giảm sự linh hoạt và khả năng đáp ứng của Lilama.

Định hướng của công tác tái cấu trúc là chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, thoái vốn tại các công ty hoạt động không hiệu quả, các công ty ngoài ngành nghề kinh doanh chính, tập trung phát triển 2 ngành nghề kinh doanh chính của Lilama là EPC, xây lắp và cơ khí chế tạo. Đồng thời, duy trì một số lĩnh vực liên quan đến các ngành kinh doanh chính (xuất nhập khẩu, cho thuê máy móc thiết bị, quản lý dự án) nhằm hỗ trợ, nâng cao sức cạnh tranh cho các ngành chính.

Kinh doanh trên đà hồi phục

Thực hiện Đề án tái cơ cấu, hoạt động kinh doanh của Lilama đang trên đà hồi phục. Sau khoản lỗ năm 2022 (28,8 tỷ đồng) và năm 2023 (12 tỷ đồng), Lilama đã có lãi trở lại 82,8 tỷ đồng trong năm 2024. Quý I/2025, Lilama ghi nhận 2.326 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 50,2 tỷ đồng, tăng 42%.

Năm 2025, Lilama đặt mục tiêu doanh thu 5.885,5 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2024. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế kế hoạch tăng 15,1% lên 110 tỷ đồng.

Về hoạt động đấu thầu, từ đầu năm 2025 đến nay, Lilama đã trúng 4 gói thầu, phần lớn trong lĩnh vực điện. Cụ thể, Lilama trúng 3 gói thầu cung cấp và vận chuyển máy biến áp 500 kV - 900 MVA cho trạm biến áp 500 kV Lai Châu, trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 và trạm biến áp 500 kV Tây Hà Nội với tổng giá trị hơn 944,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Lilama liên danh cùng 4 nhà thầu khác trúng Gói thầu số 07/XL Xây dựng và thiết bị khu đầu mối trạm bơm Ngọ Xá thuộc Dự án thành phần 3 Sửa chữa, nâng cấp hệ thống Bắc Hưng Hải giai đoạn 2, tỉnh Bắc Ninh với giá hơn 246,87 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I/2025, tổng tài sản của Lilama đạt 6.116,5 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ở mức 5.138,3 tỷ đồng, chiếm 84%. Phần lớn nợ phải trả của Lilama là khoản phải trả người bán ngắn hạn (1.499,5 tỷ đồng) và người mua trả tiền trước ngắn hạn (320,7 tỷ đồng), nợ vay ở mức 1.330,7 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục