Linh hoạt, hài hòa giải pháp thực hiện mục tiêu kép

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tới thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, có nơi, có lúc phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021.
Trong 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 8,36%, đóng góp 59,05% vào mức tăng chung của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Trong 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 8,36%, đóng góp 59,05% vào mức tăng chung của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều lĩnh vực có mức tăng tích cực

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm vẫn có chuyển biến tích cực, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 và là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ KH&ĐT cho biết, trong nửa đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 3,82%, đóng góp 8,17% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%. Khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.

Số liệu của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đã thể hiện sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Đáng chú ý, các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt bùng phát dịch bệnh lần này vẫn có sự gia tăng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với cùng kỳ năm trước, như Bắc Giang tăng 11,82%, TP.HCM tăng 5,34%, Bắc Ninh tăng 1,06%.

Nhiều tổ chức cập nhật báo cáo đánh giá triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế dự báo sẽ trở lại mức như trước Covid-19 trong nửa cuối năm 2021, GDP dự báo tăng trên 6,5%. Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trong khó khăn chung, hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn khả quan nhờ các hành động nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ.

Hai kịch bản tăng trưởng

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ KH&ĐT xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Kịch bản 1, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý IV tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm). Kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).

Bộ KH&ĐT nhận định, việc thực hiện hiệu quả mục tiêu kép là thách thức lớn. Trước mắt cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng tiêm vaccine và nghiên cứu để chủ động được nguồn vaccine trong dài hạn. Đồng thời, xây dựng chính sách kích cầu nền kinh tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng, hiệu quả; chương trình phục hồi kinh tế, bao gồm các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; tập trung cắt giảm chi phí logistics, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành; tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công…

EuroCham nhận định, thực hiện chiến lược vaccine là tiền đề giúp Việt Nam khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cần tiếp tục áp dụng các chính sách bảo đảm an toàn vĩ mô và lưu ý, đợt bùng dịch Covid-19 thứ tư đang gây ra những nguy cơ đáng kể đối với khả năng phục hồi bền vững của Việt Nam.

Còn theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam không những phải quản lý tốt những tác động trước mắt do đại dịch gây ra mà còn cần xây dựng nền tảng cho sự phục hồi trong dài hạn.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, dù CPI 6 tháng khá thấp, nhưng cần lưu ý áp lực lạm phát trong thời gian tới. Lạm phát toàn cầu năm 2021 được dự báo tăng khá mạnh (ở mức 2,8% so với 2% năm 2020) do giá cả của các hàng hóa cơ bản tăng mạnh cùng với nỗ lực phục hồi kinh tế hậu Covid-19 bằng các chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng. Chi phí đầu vào tăng khiến giá sản xuất của nhiều quốc gia tăng nhanh, gây áp lực tăng giá sản xuất và lạm phát từ chi phí đẩy đối với Việt Nam. Trong nước, tiềm ẩn rủi ro cung tiền tăng vừa phải nhưng hiệu quả sử dụng vốn thấp sẽ tạo áp lực dài hạn lên lạm phát. Vòng quay tiền chậm lại trong nền kinh tế thực, song một lượng tiền không nhỏ lại đang luân chuyển khá nhanh trong các kênh đầu tư rủi ro.