Thị trường bất động sản bán lẻ ở TP.HCM trong quý đầu năm đã có nhiều khởi sắc. Ảnh minh họa: Internet |
Dựa theo tính toán của Savills Việt Nam, nguồn cung tương lai tới năm 2025 sẽ đạt gần 400.000 m2 từ 24 dự án. Các thương hiệu lớn như Aeon và Emart đang có kế hoạch mở rộng tại TP.HCM và các vùng lân cận. Thaco sẽ phát triển 2 dự án Emart ở Gò Vấp và Quận 2, trong khi Aeon dự định mở thêm trung tâm thương mại tại Hóc Môn.
Về công suất hoạt động, trong quý 1/2022, trung bình vẫn ở mức cao 92%, giảm nhẹ 1 điểm phần trăm theo quý và theo năm. Sự mở rộng, gia nhập của các thương hiệu nổi tiếng đã hỗ trợ công suất này.
Kết quả khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy, đối với mặt bằng bị trả tại 27 trung tâm thương mại và khối đế bán lẻ, 43% diện tích là của ngành hàng thời trang và 25% là ngành hàng ăn uống. Các thương hiệu nội địa bị ảnh hưởng mạnh và chiếm 58% diện tích mặt bằng bị trả.
"Các chủ đầu tư đã dừng nhiều chính sách ưu đãi và giảm giá. Đồng thời, thời gian thuê tối thiểu cũng được nâng lên và chính sách tăng giá hằng năm lên tới 10%. Trong quý I/2022, giá trung bình chào thuê tầng trệt là 1,2 triệu đồng/m2/tháng, tăng 3% theo quý và theo năm", ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam cho hay.
Sự tăng giá thuê này chủ yếu đến từ các dự án ở ngoài trung tâm. Chủ cho thuê giữ thái độ lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế vì trong quý đầu năm 2022, tăng trưởng GDP ở TP.HCM là 1,9% - con số tăng trưởng dương sau 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm. Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa lên đến 161 nghìn tỷ đồng, tăng 5% theo năm và chiếm 60% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.
Theo Asian Development Outlook 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến năm 2022 là 6,5%, cao thứ hai trong khu vực châu Á. Với tín hiệu kinh tế tích cực, khách thuê dự kiến sẽ mở rộng. TP.HCM và Hà Nội tiếp tục là điểm đến của khách thuê mới.
Riêng thương mại điện tử được đánh giá có sự tăng trưởng bền vững hơn cả. Thống kê của Google Temasek and Bain & Company chỉ ra rằng, thương mại điện tử tại Việt Nam vào 2021 tăng trưởng 59% theo năm, lên tới13 tỷ USD, chủ yếu đến từ sự chuyển dịch nhu cầu của người dùng do tình hình dịch bệnh.
Đến năm 2025, thương mại điện tử tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 32% trung bình mỗi năm, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ vào sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử, khách thuê sẽ lựa chọn những khu vực ngoài trung tâm và diện tích nhỏ hơn để giảm thiểu chi phí vận hành.