Chính sách, pháp luật về thuế hiện hành chưa thực sự thân thiện và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Tường Lâm |
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có lo ngại về sự gia tăng của hoạt động thanh, kiểm tra, mà nhiều hộ kinh doanh không muốn “lớn”.
Băn khoăn việc chuyển đổi
Nghị quyết 35/NQ-CP đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN. Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu này là tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật DN. Khi chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành DN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ có nhiều lợi ích như: có tư cách pháp nhân, tạo được uy tín cho sự phát triển của DN… Tuy nhiên, việc khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành DN dường như vẫn chưa đủ “hấp dẫn”.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có hơn 100 nghìn hộ kinh doanh cá thể, trong số này có nhiều hộ muốn chuyển đổi thành DN. Tuy nhiên, theo ông Mạc Quốc Anh, vẫn còn rất nhiều rào cản khiến các hộ chưa mặn mà với việc chuyển đổi, trong đó nguyên nhân lớn nhất là vì chính sách thuế hiện hành.
“Nếu chuyển đổi thành công ty cổ phần hay công ty TNHH thì số thuế phải nộp sẽ cao gấp 2, 3 lần tiền thuế mà các hộ kinh doanh cá thể đang nộp hiện nay. Việc chuyển đổi còn khiến các thủ tục hành chính; bảo hiểm cho các cán bộ, nhân viên khi DN được thành lập gia tăng. Tuy nhiên, điều khiến các hộ kinh doanh e ngại hơn cả chính là việc họ có thể bị thanh, kiểm tra rất nhiều khi trở thành DN”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Cũng trong tình trạng như TP. Hà Nội, tại một cuộc họp mới đây, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho biết, dù Thành phố có tới 240.000 hộ kinh doanh cá thể, nhưng số hồ sơ đăng ký chuyển đổi mô hình kinh doanh cá thể sang mô hình DN còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân chính là các hộ kinh doanh e ngại công tác kiểm tra của ngành thuế.
Chỉ ra một nguyên nhân sâu xa khác, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành DN gặp khó khăn còn do chính nhiều cơ quan, đặc biệt là các cơ quan cấp huyện, không khuyến khích, bởi đằng sau đó là những vấn đề liên quan đến lợi ích.
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
Trong thời gian qua, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN, Chính phủ và các bộ, ngành đã thực hiện nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN, người dân. Để hoạt động này diễn ra sôi động hơn trong thời gian tới, ông Mạc Quốc Anh đề xuất, cần phải động viên các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN bằng những chính sách hỗ trợ cụ thể. Đơn cử như trong vòng từ 1 - 3 năm đầu sau chuyển đổi, Nhà nước có thể hỗ trợ giảm chi phí khi đăng ký thành lập DN, giảm thuế thu nhập DN. Nhà nước cũng cần dành các quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa để bảo lãnh tín dụng cho DN vay vốn, hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến đầu tư…
Chia sẻ quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, điều mà hộ kinh doanh và DN quan tâm nhất chính là chính sách thuế. Hiện tại pháp luật thuế và kế toán của chúng ta chưa thực sự thân thiện, do đó, cơ quan có thẩm quyền nên tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục, thậm chí là giảm thủ tục cho DN nhỏ và siêu nhỏ để họ không thấy “ngán”, mà phải thấy thân thiện và dễ làm. Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho tiến trình chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể thành DN.
Một thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng nêu quan điểm, để khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN, vấn đề cốt yếu là phải tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, chính thức, các chi phí phải như nhau. Từ hộ kinh doanh muốn chuyển lên DN, thủ tục chuyển đổi rất đơn giản, nhưng điều quan trọng là phải chuyển mềm, phải thông thoáng, phải thuận tiện.