Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Tại Hội thảo về đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, có ý kiến cho rằng, thực trạng này vẫn sẽ tiếp diễn nếu không có giải pháp để khắc phục những lỗ hổng pháp lý trong việc quản lý hoạt động đầu tư của DNNN.
Đầu tư lớn, hiệu quả thấp
Theo ông Lê Văn Hà, chuyên gia tư vấn pháp luật về đầu tư, kinh doanh, qua thực hiện rà soát các văn bản pháp luật về vấn đề này cho thấy, hiện đang có lỗ hổng pháp lý trong việc quản lý hiệu quả đầu tư của các DNNN. “Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư ở những dự án có sử dụng vốn nhà nước”, ông Hà nhận định.
Theo ông Hà, các điều kiện thẩm định, thẩm tra, trách nhiệm thẩm định chủ trương đầu tư của DNNN trong nội bộ từng DN và đối với chủ sở hữu đang bị bỏ trống. “Luật Đầu tư có đề cập đến vấn đề này, nhưng chỉ đề cập tới việc thẩm định Giấy chứng nhận đầu tư nói chung. Luật Xây dựng chỉ đề cập đến việc thẩm định về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, song những quy định này không nổi bật. Còn Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN có nêu về vấn đề quản lý vốn và tài sản DNNN nhưng chỉ ở khía cạnh kế toán, hạch toán mà không quan tâm tới khía cạnh về thẩm định, thẩm tra các dự án đầu tư”, ông Hà cho biết.
Một bất cập khác cũng được vị chuyên gia tư vấn này chỉ ra là, theo quy định hiện hành, DN 100% vốn nhà nước mới là DNNN, còn trên thực tế, vẫn còn rất nhiều DN có phần vốn góp của Nhà nước. Chính quy định này cũng là một lỗ hổng đối với việc quản lý vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho lãng phí, thất thoát nguồn vốn này.
Đồng quan điểm, trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện một công ty luật thông tin, hiện quy định liên quan đến bổ nhiệm người đại diện phần vốn của Nhà nước tại DNNN, mối quan hệ của người đại diện phần vốn nhà nước đối với chủ sở hữu, trách nhiệm của người đại diện trong việc quản trị phần vốn nhà nước đầu tư nhưng chưa tới 100% vốn nhà nước cũng bị bỏ trống.
Liên quan đến hoạt động của DNNN, trong một báo cáo mới nhất được Kiểm toán Nhà nước công bố tuần qua cũng cho thấy, năm 2015, nhiều DNNN trích quỹ tiền lương vượt cả chục tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước này chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư, kinh doanh
Trước những bất cập về pháp lý này, ông Hà kiến nghị, trong thời gian tới, các dự án thuộc diện phải có chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư phải có thẩm định của tổ chức tư vấn độc lập trong nước hoặc quốc tế để bảo đảm tính khách quan, minh bạch.
Những lỗ hổng trong quy định của pháp luật về quản lý nguồn vốn đầu tư của Nhà nước ở các DN không được quan niệm là DNNN (DN 100% vốn nhà nước) nhưng có phần vốn góp của Nhà nước cũng cần được bổ sung để quản lý hiệu quả, chuyên gia tư vấn này kiến nghị.
Nhằm quản lý hiệu quả hơn phần vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Tại Dự thảo Nghị định này, Bộ đề xuất thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhằm xóa bỏ sơ hở, yếu kém trong công tác này.