Lo ngại giấy phép con trong hoạt động vận tải nội bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô. Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là việc bổ sung quy định Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ. Một số ý kiến kiến nghị bỏ quy định này vì sẽ gây trở ngại cho hoạt động đầu tư.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, quy định về Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ là không cần thiết, vì cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO không ràng buộc. Ảnh: Phú An
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, quy định về Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ là không cần thiết, vì cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO không ràng buộc. Ảnh: Phú An

Theo cơ quan soạn thảo, thực tiễn cho thấy doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh các ngành nghề khác có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) lớn hơn 51% vốn điều lệ đã đầu tư xe ô tô tải để vận chuyển hàng hóa của đơn vị mình. Đây là đối tượng DN kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp và phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, nếu cấp phép cho các DN này sẽ vi phạm cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO (DN vận tải không được phép vượt quá 49% vốn nước ngoài, thời điểm hiện nay là không được phép vượt quá 51% vốn nước ngoài). Do vậy, đối tượng này hiện không được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, cần được gỡ khó bằng quy định riêng.

Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định, đối tượng phải có Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô theo lộ trình là đơn vị sử dụng xe vận tải người nội bộ, ô tô đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc...; DN có vốn ĐTNN dưới 51%, DN có vốn ĐTNN trên 51% có hoạt động vận tải trước ngày 1/12/2014 để phục vụ sản xuất, kinh doanh của chính DN.

Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quy định này là cần thiết, trong đó phải có các điều kiện về vận chuyển tuyến, khối lượng và hậu kiểm để bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các DN. Trên thực tế, một số DN nước ngoài đã lợi dụng kẽ hở này để nhập khẩu xe với giá rẻ, sử dụng lượng xe dư thừa, nhàn rỗi để vận tải ngoài với giá cước rất rẻ (vì chỉ phải trả lương, tiền xăng), cạnh tranh thiếu bình đẳng với DN nội địa.

Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho rằng, cơ quan soạn thảo nên bỏ quy định về việc cấp Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ trong Dự thảo Nghị định.

Theo VCCI, quy định này sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh và thu hút ĐTNN, có thể tạo ra rào cản lớn cho hoạt động của các DN khi có nhu cầu vận tải nội bộ. Việc phải xin phép tạo ra nhiều chi phí và thủ tục phiền hà, gây trở ngại cho hoạt động đầu tư. Thực tiễn thời gian qua đã có rất nhiều phản ánh, khiếu nại của DN với VCCI về việc này.

Điều 10 Dự thảo Nghị định quy định:

Đơn vị vận tải sử dụng xe vận tải người nội bộ, ô tô đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe ô tô chuyên dùng và xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 10 tấn trở lên; đơn vị vận tải sử dụng xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 10 tấn: phải có Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô theo lộ trình;

Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ cấp cho DN có vốn ĐTNN dưới 51%; DN có vốn ĐTNN trên 51% có hoạt động vận tải trước ngày 1/12/2014 để phục vụ sản xuất, kinh doanh của chính DN.

VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần làm rõ tính chất của Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ. Nếu đây là giấy phép kinh doanh thì việc cấp phép cho hoạt động vận tải nội bộ - không có tính chất kinh doanh vận tải - là không phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư 2020 (vận tải người/hàng hóa nội bộ không phải là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện). Việc yêu cầu thêm giấy phép là không cần thiết, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho DN. Mặc khác, Dự thảo Nghị định đã có quy định, các xe vận tải nội bộ phải có phù hiệu “xe nội bộ” để nhận diện, từ đó xác định những DN được phép hoạt động vận tải người/hàng hóa nội bộ hay không.

Xét theo tính công bằng cho các đối tượng áp dụng, quy định này tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các DN ĐTNN trong cùng điều kiện. Những DN có vốn ĐTNN trên 51% có hoạt động vận tải từ 1/12/2014 sẽ không được cấp Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ, còn những DN có vốn ĐTNN trên 51% có hoạt động vận tải trước 1/12/2014 sẽ được cấp giấy phép này.

Hơn nữa, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO trong lĩnh vực vận tải ô tô, Việt Nam cam kết cho hoạt động cung cấp dịch vụ vận tải có nghĩa là ràng buộc về tỷ lệ vốn góp của nhà ĐTNN chỉ áp dụng cho hoạt động kinh doanh vận tải, còn vận tải nội bộ thì không ràng buộc. Do đó, VCCI cho rằng, quy định này là không cần thiết, vì cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO không ràng buộc.

Theo đề xuất của ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trước tiên Bộ Giao thông vận tải cần quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ (đang sửa đổi, bổ sung) thế nào là “vận tải nội bộ” để từ đó phân biệt với kinh doanh vận tải, quy định chung cho tất cả DN. Những đơn vị vận chuyển sản phẩm đã được bán ra thị trường, vận chuyển tới khách hàng hay ra cảng để xuất khẩu… thì không thể gọi là vận tải nội bộ được, mà là kinh doanh vận tải.

Tin cùng chuyên mục