Lo nguồn vốn của ngân hàng thiếu bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào (chủ yếu do tín dụng tăng chậm), song cơ cấu vốn huy động đang tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng. Hiện tiền gửi dân cư chỉ chiếm một nửa lượng vốn huy động của các nhà băng và tăng rất chậm. Trong khi đó, tiền gửi doanh nghiệp, tuy tăng nhanh, song có thể bị rút ra bất kỳ lúc nào. Điều này khiến nguồn vốn của các nhà băng thiếu bền vững.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 8 tháng đầu năm nay, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,4% so với đầu năm, tương đương mức 14,6% so với cùng kỳ. Số liệu huy động vốn 8 tháng chưa được NHNN công bố, song theo ước tính của các công ty chứng khoán, tăng trưởng tiền gửi vào ngân hàng sẽ ở mức thấp nhất nhiều năm trở lại đây.

Cơ cấu vốn tiềm ẩn rủi ro

Tại TP. Hồ Chí Minh tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính đến cuối tháng 9/2021 đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 1,19% so với cuối quý II/2021, trong khi tín dụng tăng 6,41%.

Đáng lưu ý, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư chiếm 36,8%, chỉ tăng 0,5% so với cuối năm trước; tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân chiếm 54,2%, tăng 5,7% so với cuối năm; phát hành giấy tờ có giá chiếm tỷ trọng 9%, tăng đến 17,85% so với cuối năm trước.

Xu hướng này cũng diễn ra tại Hà Nội khi huy động vốn 8 tháng tăng tới 9,2% so với đầu năm, nhưng chủ yếu tăng ở phát hành giấy tờ có giá và tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp, trong khi tiền gửi dân cư tiếp tục tăng chậm.

Đánh giá về tình hình huy động vốn trong quý III/2021, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, do tác động của đại dịch Covid-19, vốn huy động của các ngân hàng tăng chậm.

Thực tế, hiện nay thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào chủ yếu do tín dụng tăng chậm, song cơ cấu vốn huy động đang tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng. Hiện tiền gửi dân cư chỉ chiếm một nửa lượng vốn huy động của các nhà băng và tăng rất chậm. Trong khi đó, tiền gửi doanh nghiệp, tuy tăng nhanh, song có thể bị rút ra bất kỳ lúc nào (đưa vào sản xuất - kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát).

Không chỉ tiền gửi dân cư tăng chậm một cách đáng ngại, mà theo ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), thời gian qua, nhiều ngân hàng chạy đua thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tăng tỷ lệ CASA trên tổng vốn huy động. Điều này giúp ngân hàng huy động được vốn rẻ, song khiến nguồn vốn huy động trở nên bấp bênh. Cụ thể, ngân hàng “nuôi” đến hơn 50% tổng dư nợ cho vay là dư nợ trung, dài hạn, trong khi huy động chủ yếu ngắn hạn, thậm chí không kỳ hạn, dẫn tới an toàn vốn thiếu chắc chắn.

Thanh khoản không đáng lo

Có ý kiến cho rằng, khi dịch được khống chế, tín dụng sẽ tăng nhanh khi đó lãi suất huy động thấp sẽ gây khó khăn cho thanh khoản ngân hàng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhận định: “Thanh khoản hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ không gặp nhiều vấn đề. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân có chững lại nhưng lãi suất điều hành NHNN vẫn đang duy trì ở mức thấp và NHNN lúc nào cũng sẵn sàng để can thiệp tăng thanh khoản cho hệ thống nếu cần”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng kể cả khi dịch được kiểm soát, các ngân hàng cũng sẽ thận trọng khi cho vay bởi khi đó, doanh nghiệp phải đảm bảo được khả năng trả nợ và bối cảnh hiện nay sẽ khiến cơ hội đảm bảo khả năng trả nợ của các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn.

Ông Cường đặt vấn đề: “Doanh nghiệp có khả năng sản xuất nhưng không có khả năng để đi vay, vậy, cơ chế nào để cho vay? Không thể ép các ngân hàng phải cho vay, các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn tín dụng để cho vay bởi bản thân họ cũng là doanh nghiệp. Trong bối cảnh chưa có tiền lệ, các giải pháp chưa thấy thực sự hỗ trợ doanh nghiệp”.

Các chuyên gia cho rằng cần giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế từ ngân hàng như áp dụng chương trình bảo lãnh tín dụng. Ông Cường thông tin, cơ chế bảo lãnh tín dụng đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố nhưng hoạt động không hiệu quả, doanh nghiệp gần như không tiếp cận được bởi cơ chế của ngân hàng. Cần phát huy hiệu quả cơ chế bảo lãnh tín dụng hơn đặc biệt điều này rất quan trọng trong thời điểm hiện tại.

“Có nhiều nguồn vốn bên ngoài sẵn sàng vào Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng xanh nhưng cơ chế của Việt Nam hiện giờ lại đóng. Đây là một điều rất đáng tiếc. Vấn đề đặt ra, nếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, đến một thời điểm nào đó hệ thống này sẽ bị quá tải. Vậy, tại sao những cơ chế mới lại không có, cần làm gì để có những cơ chế mới trong bối cảnh đặc thù hiện nay”, ông Cường trăn trở.

Theo ADB, trong năm nay đại dịch làm gián đoạn sản xuất và kinh doanh, do đó nhu cầu tín dụng sẽ giảm. Báo cáo ADB dự báo, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ chậm lại ở mức 10 - 11% trong năm nay, thấp hơn chỉ tiêu 12%.

Trong bối cảnh hiện nay, có vẻ như thanh khoản không phải là vấn đề đáng lo lắng nhất hiện nay, mà trong dài hạn câu chuyện nợ xấu mới là việc cần quan tâm.

Tin cùng chuyên mục