Nhiều DN tắc thanh toán trái phiếu đến hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổ chức định mức tín nhiệm FiinRatings và VISRatings cùng đánh giá, áp lực trả nợ đối với các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 và 2025 là khá lớn, đặc biệt đối với các trái phiếu chậm trả gốc/lãi có thời hạn đáo hạn gốc vào năm 2022 và 2023, được cơ cấu tối đa 2 năm theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP. Thách thức đang hiện hữu khi kênh gọi vốn mới từ trái phiếu không còn dễ dàng và nhiều doanh nghiệp chưa biết tìm đâu dòng tiền trả nợ.
Doanh nghiệp ngành bất động sản đang dẫn đầu về giá trị trái phiếu chậm trả gốc và lãi với 112.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp ngành bất động sản đang dẫn đầu về giá trị trái phiếu chậm trả gốc và lãi với 112.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Những khoản thanh toán nhỏ giọt

Tháng 4/2024, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu phát hành phải công khai hoạt động tái cấu trúc nợ trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Việc công khai cho thấy một thực tế, trái phiếu hầu như không có tài sản bảo đảm và số tiền doanh nghiệp trả được cho trái chủ quá thấp so với khoản đã đi vay.

Công ty TNHH Saigon Glory có 5 lô trái phiếu phát hành từ năm 2020, với quy mô 1.000 tỷ đồng/lô, đang ở tình trạng chậm trả gốc. Toàn bộ trái phiếu không có tài sản bảo đảm, được lưu ký tại Công ty Chứng khoán Tân Việt. Thông báo về việc tái cấu trúc nợ trên HNX ngày 24/4/2024, Saigon Glory cho biết, lô trái phiếu đầu tiên, Công ty thanh toán được 0,08 tỷ đồng; lô trái phiếu thứ hai thanh toán được 0,52 tỷ đồng; lô trái phiếu thứ ba thanh toán được 0,03 tỷ đồng; lô trái phiếu thứ tư thanh toán được 0,18 tỷ đồng; lô trái phiếu thứ năm thanh toán được 0,45 tỷ đồng. Giá trị nợ còn lại sau tái cấu trúc của 5 lô trái phiếu trên lên đến 4.755 tỷ đồng.

Công ty CP Hưng Thịnh Land có 4 lô trái phiếu chậm thanh toán nợ gốc, là trái phiếu được phát hành từ tháng 8/2020, với quy mô 200 tỷ đồng/lô. Trái phiếu của Hưng Thịnh Land cũng không có tài sản bảo đảm (lãi suất cam kết là 11%), lưu ký tại Công ty Chứng khoán Tân Việt. Thông báo về kết quả tái cấu trúc nợ, Hưng Thịnh Land cho biết, 4 lô trái phiếu này mới thanh toán được trên dưới 1 tỷ đồng/lô cho nhà đầu tư. Hiện tổng giá trị nợ còn lại sau tái cấu trúc của 4 lô trái phiếu là 756 tỷ đồng.

Công ty Đầu tư kinh doanh Bất động sản S-Homes, Công ty CP Signo Land, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va có khoản huy động trái phiếu lần lượt là 2.400 tỷ đồng (năm 2021); 1.337 tỷ đồng (năm 2023); 1.000 tỷ đồng (năm 2021) đang trong tình trạng chậm trả gốc. Thông tin về việc tái cấu trúc nợ trong tháng 4/2024 cho thấy, số tiền trả cho trái chủ hoặc hoán đổi nợ lấy tài sản của cả 3 doanh nghiệp này rất thấp (dưới 2 tỷ đồng). Khối nợ chậm trả ở tình trạng không có tài sản bảo đảm vẫn còn nguyên!

Tháng 5/2024, thống kê của VISRatings cho biết, có 28 mã trái phiếu thuộc 24 tổ chức phát hành với trị giá 15.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn. Trong đó, ước tính khoảng 4.700 tỷ đồng, tương đương 30% có nguy cơ chậm trả nợ đến hạn trong tháng 5/2024. Trong số trái phiếu có rủi ro cao trị giá 4.700 tỷ đồng, có khoảng 4.000 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, Công ty CP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn và Công ty CP Đầu tư Ngôi Sao Gia Định phát hành, đã chậm trả lãi coupon trong năm 2023. VISRatings đánh giá, các tổ chức phát hành này khả năng cao sẽ chậm trả nợ gốc đến hạn do dòng tiền yếu và nguồn tiền mặt cạn kiệt.

Phần còn lại, 0,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu có rủi ro cao chậm trả lần đầu, hầu hết là của các tổ chức phát hành nhóm ngành bất động sản dân cư. Các doanh nghiệp ngành này có biên lợi nhuận EBITDA trung bình trong 3 năm qua thấp hơn 10%, thậm chí bị âm và nguồn tiền để trả nợ đến hạn ở mức cạn kiệt. Cá biệt, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo có 2 mã trái phiếu đáo hạn tháng 5/2024 với quy mô 500 tỷ đồng/mã, nhưng đang ở tình trạng hoạt động không hiệu quả, năm 2023 lỗ 1.409 tỷ đồng, khả năng có dòng tiền trả nợ cho trái chủ là… không rõ.

Tại Báo cáo thường niên công bố tháng 4/2024, ông Nguyễn Thiều Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo cho biết, do nhu cầu của thị trường các sản phẩm Vonfram của Công ty giảm nên doanh thu năm tài chính 2023 chỉ đạt 14.093 tỷ đồng, giảm 1.456 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Cộng hưởng một số yếu tố bất lợi khác, Công ty ghi nhận khoản lỗ 1.049 tỷ đồng năm 2023. Núi Pháo không công bố mục tiêu hoạt động năm 2024 nhưng cho biết, Công ty sẽ tập trung cải tiến quy trình và hệ thống hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.

Áp lực nợ dồn sang năm 2024 - 2025

Trước thực trạng khoản nợ doanh nghiệp vay từ phát hành trái phiếu riêng lẻ quá lớn và không có khả năng trả đúng hạn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, “mở cánh cửa” cho phép doanh nghiệp được đàm phán với trái chủ để cơ cấu nợ tối đa 2 năm. Bản chất của hoạt động cơ cấu nợ là doanh nghiệp đàm phán đổi nợ lấy tài sản, hoặc cổ phiếu, hoặc kéo dài thời gian trả nợ cho các trái chủ. Hoạt động này đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm được một phần nợ, đồng thời giảm áp lực nợ đến hạn. Tính đến tháng 4/2024, quy mô thị trường trái phiếu riêng lẻ tại Việt Nam vào khoảng 1.200 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức kỷ lục 1.600 nghìn tỷ đồng vào tháng 6/2022. Trong 12 tháng tới, khoảng 19% lượng trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị là 221.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn. “Chúng tôi ước tính 10% trong số này có rủi ro chậm trả lần đầu cao, tập trung chính ở các ngành bất động sản dân cư”, VISRatings đánh giá.

Trên thị trường sơ cấp, tháng 4/2024 ghi nhận 13 đợt phát hành mới với tổng giá trị đạt 13.900 tỷ đồng, tăng 29,1% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm, khối lượng phát hành thành công vẫn giảm 43,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đây, các doanh nghiệp chỉ cần công bố trả lãi cao và sử dụng công ty chứng khoán hoặc ngân hàng hỗ trợ phát hành là có thể huy động được nhiều tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, nhưng hiện nay, nhà đầu tư “sợ cành cong”, nên huy động vốn không còn dễ dàng như trước. Chủ thể phát hành trái phiếu thành công đều phải là các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi, chủ yếu là các ngân hàng (Techcombank, MBBank, MSB…) và một số doanh nghiệp bất động sản uy tín (VIC, Vinhomes…). Loại hình công ty TNHH hay những doanh nghiệp hoạt động tại địa phương, không rõ nguồn gốc, vị thế trên thương trường rất khó huy động vốn mới từ trái phiếu doanh nghiệp.

Làm thế nào để các doanh nghiệp trả được khối nợ trái phiếu khi đến hạn vẫn là câu hỏi nhức nhối trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức. Tính đến nay, doanh nghiệp ngành bất động sản đang dẫn đầu về giá trị trái phiếu chậm trả gốc và lãi với 112.000 tỷ đồng; doanh nghiệp ngành xây dựng đứng thứ hai với 26.000 tỷ đồng; tiếp theo là nhóm doanh nghiệp ngành năng lượng, du lịch và các ngành nghề khác.

Tin cùng chuyên mục