Tại tỉnh Hòa Bình, tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng các năm 2016 và 2017 đạt 0% và 0,5% đã vượt lên mức 31,9% trong năm 2018. Ảnh: Nhã Chi |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân chính khiến ĐTQM của các đơn vị này không “về đích” là do sự thiếu quyết tâm của người đứng đầu, chủ đầu tư, bên mời thầu.
Còn “ngại”, không muốn áp dụng
Trong giai đoạn 2016 - 2018, tổng số gói thầu ĐTQM đạt 30.527 gói, với tổng giá gói thầu là 61.872 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 57.266 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 7,4%. Theo tổng kết của Bộ KH&ĐT, việc thực hiện ĐTQM của giai đoạn này tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm, nhiều đơn vị trên cả nước không đảm bảo yêu cầu theo quy định.
Cụ thể, tính theo hình thức chào hàng cạnh tranh, tỷ lệ ĐTQM năm 2016 yêu cầu 20% nhưng thực tế các đơn vị chỉ thực hiện được 8,4%; năm 2017 yêu cầu 30% nhưng thực hiện chỉ 12,7%; năm 2018 yêu cầu 40% nhưng thực hiện chỉ 13,9%. Đối với hình thức đấu thầu rộng rãi, tỷ lệ ĐTQM năm 2016 yêu cầu 10% nhưng thực tế các đơn vị chỉ thực hiện được 4%; năm 2017 là 15% và 11%; năm 2018 là 30% và 16,3%.
Thậm chí, ngay từ đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, trong đó riêng về ĐTQM, Chính phủ nhấn mạnh, phấn đấu đưa tỷ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng bằng hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu.
Song, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, có những cơ quan, đơn vị vẫn chưa thực hiện gói thầu nào qua mạng hoặc tỷ lệ thực hiện rất thấp, dưới 10%. Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… là những đơn vị có tỷ lệ thực hiện ĐTQM 0%.
Về phía các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đã qua 6 tháng đầu năm 2019 mà các đơn vị như Tập đoàn Công nghiệp cao su, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam… thực hiện ĐTQM đạt tỷ lệ 0%.
Người đứng đầu phải quyết tâm
Có rất nhiều lý do được đưa ra khi việc thực hiện ĐTQM tại các bộ, ngành, địa phương không đạt yêu cầu. Một trong những lý do được Bộ KH&ĐT chỉ ra khi tổng kết việc thực hiện ĐTQM, đó là quyết tâm của người đứng đầu đóng vai trò quan trọng và quyết định đối với việc áp dụng ĐTQM. Những cơ quan, đơn vị nào người đứng đầu triển khai quyết liệt thì tỷ lệ áp dụng ĐTQM có chuyển biến tích cực.
Đơn cử, ngày 20/5/2017, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 3735/KH-UBND quy định trong giai đoạn 2017 - 2018 yêu cầu lựa chọn nhà thầu qua mạng 100% các gói thầu mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Trước khi văn bản này ra đời, tỷ lệ trung bình áp dụng ĐTQM của TP. Đà Nẵng trong năm 2016 chỉ là 1,1%. Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo quyết liệt này của người đứng đầu UBND Thành phố, tỷ lệ áp dụng ĐTQM trung bình của địa phương này đã tăng mạnh mẽ lên 25,1% (năm 2017) và 33,3% (năm 2018).
Tương tự tại Hòa Bình, trong năm 2016 và 2017, tỷ lệ áp dụng ĐTQM trung bình chỉ là 0% và 0,5%. Với tiến độ triển khai rất chậm như vậy, ngày 28/2/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-UBND quy định 100% các gói thầu tư vấn, xây lắp, hàng hóa có giá gói thầu dưới 5 tỷ đồng phải thực hiện đấu thầu qua mạng. Nhờ văn bản này, năm 2018, tỉnh Hòa Bình đã vươn lên đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ trung bình thực hiện ĐTQM, đạt 31,9%.
Rõ ràng, có rất nhiều địa phương, đơn vị trước đây đạt tỷ lệ ĐTQM không cao, tuy nhiên sau khi lãnh đạo địa phương, đơn vị có văn bản chỉ đạo quyết liệt, xác định rõ trách nhiệm và nêu rõ tiêu chí gói thầu bắt buộc phải ĐTQM thì thực tiễn có chuyển biến rất rõ rệt.
Tổng kết của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, vẫn còn một số lượng không nhỏ chủ đầu tư, bên mời thầu có tâm lý “ngại”, không muốn áp dụng ĐTQM. Tình trạng này một phần xuất phát từ tâm lý ngại thay đổi, một phần còn do chủ đầu tư, bên mời thầu không muốn áp dụng hình thức ĐTQM vì quá công khai, minh bạch.
Trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ KH&ĐT đề xuất, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đưa ra các chế tài mạnh mẽ đủ sức răn đe, gắn kết quả thực hiện ĐTQM đối với trách nhiệm người đứng đầu và ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Thậm chí, đưa nội dung này thành một trong những tiêu chí cơ bản đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua hàng năm và phải thực hiện nghiêm túc, triệt để.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai thực hiện ĐTQM. Tăng cường, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các cơ quan thông tấn báo chí và người dân.