Khoa học, công nghệ, chuyển đổi số được xem là động lực mới tạo ra bước nhảy vọt cho năm 2025 để đạt tăng trưởng hai con số. Ảnh: Lê Tiên |
Tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17 diễn ra chiều 7/1/2024, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, kinh tế thế giới có tác động cả tích cực, tiêu cực, có cơ hội và cả thách thức đối với tăng trưởng của Việt Nam.
Theo ông Cường, nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua có mối quan hệ tương ứng giữa tăng trưởng cao và xuất khẩu cao, vì thế để đạt tăng trưởng cao, phải tăng trưởng xuất khẩu cao. Tuy nhiên, xuất khẩu có thể chịu tác động khó lường từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump khi thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam ở mức cao và lưu ý vấn đề xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc qua Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Động lực truyền thống rất khó tạo ra bước nhảy vọt cho năm 2025 để đạt tăng trưởng hai con số, nhất là trên nền tăng trưởng của năm 2024 đã hơn 7%, sẽ cần trông chờ vào các động lực tăng trưởng mới.
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, các chính sách của Tổng thống Trump sẽ có tác động đa chiều với Việt Nam, tuy nhiên cơ hội nhiều hơn nếu có đối sách phù hợp. Giải pháp quan trọng hàng đầu là làm sao tránh được nguy cơ thuế quan. Việt Nam phải chuyển từ ưu tiên giảm thâm hụt thương mại sang công bằng, minh bạch về thương mại, đặc biệt là minh bạch về xuất xứ. Cùng với đó, làm cho thị trường kinh doanh tại Việt Nam thuận lợi hơn, tăng nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ, tranh thủ cơ hội chuyển dịch các chuỗi cung ứng, luồng đầu tư, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cũng nhận định, chính quyền của Tổng thống Trump tạo ra cả cơ hội và thách thức với ASEAN và Việt Nam. Để tận dụng cơ hội, Việt Nam cần thực hiện các bước giảm sự phụ thuộc quá mức vào bên ngoài, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước để giảm thiểu rủi ro bên ngoài, tăng cường khả năng cạnh tranh trong tương lai và thêm dư địa để tăng hỗ trợ tài chính từ Chính phủ bởi nguồn vốn và chi tiêu công hiện tương đối thấp.
Về động lực trong nội tại nền kinh tế, theo ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), những việc trong ngắn hạn trong tầm tay Chính phủ kiểm soát, làm được ngay là thúc đẩy hiệu quả đầu tư công. Quốc hội đã phê duyệt ngân sách cho đầu tư công năm 2025 ở mức tương đối thuận lợi. Tại những nước ở mức độ phát triển như Việt Nam, đầu tư công hàng năm ở ngưỡng tối thiểu 6 - 7% GDP để duy trì hạ tầng cho phát triển. Mức phân bổ của Việt Nam đạt được ngưỡng tối thiểu, nhưng thực tế, giải ngân không hết mức phân bổ hàng năm. Với các cải cách gần đây, có cơ hội tốt để cải thiện tỷ lệ giải ngân, nhưng cần giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. Quy trình thủ tục đầu tư công hiện còn mất nhiều thời gian, Chính phủ có thể có cải cách mạnh mẽ hơn. Đồng thời, cần mạnh dạn tăng tỷ lệ đầu tư tư nhân trong đầu tư hạ tầng, hiện đã có phương thức đối tác công tư (PPP) nhưng phần lớn các dự án vẫn được đầu tư công, một số dự án muốn đầu tư PPP nhưng lại quay về đầu tư công.
Năm 2025 có cơ hội tốt để cải thiện tỷ lệ giải ngân đầu tư công, nhưng cần giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. Ảnh: Tiên Giang |
Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh động lực tiêu dùng cuối cùng đóng góp lớn cho tăng trưởng, nhưng những năm qua chuyển biến còn chậm. Vì thế, năm 2025 cần có giải pháp kích thích động lực này. Để tăng tiêu dùng cuối cùng, cần đảm bảo thu nhập của người dân. Theo đó, phải có chính sách để tăng thu nhập của hộ gia đình; có giải pháp tạo việc làm, hỗ trợ người lao động; có chính sách thuế để hỗ trợ người dân chi tiêu như tăng mức giảm trừ gia cảnh...
Dẫn chứng một số địa phương đã và đang đạt mức tăng trưởng hai con số như Quảng Ninh, Bắc Giang... với điểm chung là môi trường kinh doanh rất thuận lợi, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, giải pháp thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính là rất quan trọng. Hiện chất lượng hệ thống văn bản pháp luật, thủ tục hành chính, chất lượng thực thi, đặc biệt ở cấp thực thi vẫn còn là rào cản. Sự phối hợp của bộ, ngành kém, hệ thống pháp luật xây dựng không đồng bộ từ góc nhìn của nhà đầu tư.
Ông Tuấn cho biết, qua khảo sát thực tế, vẽ lại hành trình của nhà đầu tư mới thấy quy trình trên thực tiễn khác xa quy trình trên văn bản, phải đi lại rất nhiều đầu mối, vướng một đầu mối là tắc. Do đó, tháo gỡ điểm nghẽn này để dòng vốn đi vào thực tế nhanh, nhiều nhất sẽ tạo ra ngay động lực cho tăng trưởng. Cùng với đó, trong xây dựng thể chế, bên cạnh xây dựng luật chung, có thể xây dựng luật quy định cho từng lĩnh vực quan trọng, tạo ra bứt phá cho nền kinh tế. Về thủ tục hành chính, doanh nghiệp yêu cầu phải ưu tiên cải thiện nhóm thủ tục để làm sao đưa vốn vào nền kinh tế nhanh nhất, thứ hai là nhóm thủ tục xuất, nhập khẩu.
Nếu phát huy mạnh mẽ các động lực truyền thống, theo ông Hoàng Văn Cường, triển vọng tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025 là khả thi. Tuy nhiên, động lực truyền thống rất khó tạo ra bước nhảy vọt cho năm 2025 để đạt tăng trưởng hai con số, nhất là trên nền tăng trưởng của năm 2024 đã hơn 7%, sẽ cần trông chờ vào các động lực tăng trưởng mới.
Động lực mới, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, quan trọng nhất là khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, vấn đề quan trọng là khả năng hấp thụ công nghệ. Nhiều quốc gia không vượt qua bẫy thu nhập trung bình để đổi mới công nghệ, hấp thụ công nghệ, bởi không vượt qua được “thung lũng chết” - là giai đoạn đầu tư công nghệ vì giai đoạn này sẽ lỗ. Ông Duy nhấn mạnh, Việt Nam phải vượt qua được giai đoạn này. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, kỳ vọng tạo ra cuộc cách mạng trong chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, để Chính phủ, người dân, doanh nghiệp vượt qua thách thức đó. Chính sách cụ thể để thể chế hóa Nghị quyết 57 là xóa bỏ rào cản về thủ tục hành chính; có hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, chuyển đổi số; tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng để doanh nghiệp phải vượt qua để tồn tại và phát triển.