Hiệu quả giám sát vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước chưa cao. Ảnh: Huyền Trang |
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến đầu năm 2016, Nhà nước đang đầu tư vốn tại hơn 1.000 DN, trong đó 781 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn và 248 DN có cổ phần của Nhà nước. Tổng tài sản của các DNNN khoảng hơn 3.105 nghìn tỷ đồng, với hệ số vốn sở hữu khoảng 40%. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí nhận định, số lượng DN có vốn đầu tư của Nhà nước hiện nay khá lớn, đầu tư dàn trải vào nhiều DN, trên nhiều lĩnh vực và do nhiều cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu.
Từ 1/7/2015, việc giám sát tài chính DNNN thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, tiếp đó được hướng dẫn tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ban hành ngày 18/9/2015 của Chính phủ về công bố thông tin của DNNN; Nghị định số 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và DN có vốn nhà nước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí, giám sát tài chính được xem như là một trong những biện pháp quản lý, trong đó chủ sở hữu thông qua các hình thức, phương thức và các chỉ tiêu giám sát để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá của mình đối với các hoạt động của DN; qua đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và phát hiện những rủi ro để cảnh báo DN. Mục tiêu cuối cùng của giám sát tài chính là nhằm bảo toàn và phát triển số vốn chủ sở hữu đã đầu tư vào DN.
Trong đó, năng lực giám sát của chủ sở hữu là một nguyên nhân quan trọng tác động đến hiệu quả giám sát tài chính. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính chỉ ra, về khuôn khổ pháp lý, chủ thể giám sát tài chính theo quy định hiện nay là chủ sở hữu, tuy rõ về trách nhiệm giải trình, nhưng còn chồng chéo, chưa xử lý được vấn đề xung đột lợi ích, không đảm bảo tính độc lập của chủ thể. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động chưa mang tính trung và dài hạn, tiêu chí đánh giá còn pha lẫn giữa 2 góc độ chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước. Chủ sở hữu chịu trách nhiệm cao nhất về giám sát tài chính, nhưng năng lực chưa tương xứng số lượng, quy mô và mức độ phức tạp của đối tượng giám sát. Tiêu chí đánh giá xếp loại DN chưa phù hợp, thiếu tính trung và dài hạn, còn hình thức, kết quả đánh giá chưa gắn với quyết định xử lý, sắp xếp lại DN.
Từ thực tiễn Trung Quốc, GS. TS. Văn Tông Du - Phó Viện trưởng Viện Khoa học tài chính thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm, các DNNN cần thiết phải báo cáo số liệu tài vụ hàng tháng, quý, năm cho Bộ Tài chính để kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Thông qua phân tích số liệu, Bộ Tài chính có thể dự đoán biến động và xu hướng kinh doanh của DN, từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Ngoài ra, có thể giám sát tài chính thông qua mức độ nộp ngân sách của DNNN hay dựa vào kiểm toán ngoài của đơn vị ủy thác...