Hàng hóa Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của thị trường Trung Đông, châu Phi. Ảnh: Nhã Chi |
Thị trường giàu tiềm năng
Tại Hội thảo phổ biến thông tin thị trường Trung Đông - châu Phi với chủ đề “Cơ hội giao thương và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa” do Bộ Công Thương tổ chức, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhấn mạnh, một thời gian dài, DN xuất khẩu Việt Nam dường như quá tập trung vào các thị trường truyền thống như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… mà gần như bỏ quên thị trường Trung Đông và châu Phi. Trong khi đó, đây lại là những thị trường có sức mua lớn, tương đối dễ tính, khá phù hợp với khả năng của DN Việt Nam. Cũng tại Hội thảo, nhiều DN thừa nhận, Trung Đông - châu Phi là thị trường đầy tiềm năng đối với DN Việt Nam.
Về thị trường châu Phi, bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thuộc Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam và các nước châu Phi có quan hệ hợp tác từ rất sớm và luôn coi trọng việc củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 53/55 quốc gia ở khu vực này và kim ngạch hai chiều trong vòng 10 năm trở lại đây đã có mức tăng trưởng rõ rệt. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi giai đoạn 2006 - 2016 tăng trưởng nhanh chóng, từ 610 triệu USD năm 2006 lên gần 3,2 tỷ USD năm 2015. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại các nước này không ngừng được mở rộng. “Đáng tiếc, hiện xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng nhu cầu nhập khẩu của châu Phi. Theo dự báo, kim ngạch nhập khẩu của các nước châu Phi sẽ khoảng 650 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam còn rất nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này”, bà Phương nhấn mạnh.
Không kém phần hấp dẫn so với thị trường châu Phi, ông Lý Quốc Thịnh, chuyên gia về thị trường Trung Đông cho biết, Trung Đông là thị trường có sức mua lớn, là cơ hội để DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Theo ông Thịnh, do điều kiện lịch sử, tự nhiên, đất canh tác ít, địa hình sa mạc, ít đồng bằng, thiếu nước…, nhiều quốc gia Trung Đông có ngành nông nghiệp, thủy sản chưa phát triển. Các ngành công nghiệp sản xuất và tiêu dùng còn hạn chế nên phụ thuộc lớn vào nhập khẩu để phục vụ tiêu dùng trong nước.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó
Mặc dù được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, nhưng theo Bộ Công Thương, số lượng DN Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này còn rất khiêm tốn. Đặc biệt, tại Hội thảo, khá nhiều DN cho biết họ vẫn loay hoay tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này.
Theo đại diện Công ty CP Viglacera Hạ Long, thời gian qua, DN này đã tham gia nhiều đoàn công tác tìm hiểu thị trường Trung Đông, đồng thời tham gia các triển lãm giới thiệu sản phẩm vật liệu xây dựng của Công ty tại Dubai. Tuy nhiên, sau nhiều năm thì kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này vẫn rất khiêm tốn. Ông Nguyễn Thiêm, phụ trách xuất khẩu Công ty TNHH Dây - Cáp điện Hải Phòng thông tin, đến nay, DN này đã xuất khẩu sản phẩm sang cả thị trường Trung Đông và thị trường châu Phi ngót chục năm nhưng khi thực hiện các thủ tục đưa hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước này thì DN vẫn mất rất nhiều thời gian, thậm chí còn vướng các loại giấy phép con.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị tỏ ra khá phân vân cho biết: “Chúng tôi muốn đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm bánh kẹo sang thị trường Trung Đông - châu Phi, nhưng lại nghe có thông tin cho rằng thuế suất đưa hàng hóa vào rất cao, DN chưa biết lựa chọn kênh phân phối nào cho hiệu quả nhất”... Một số DN cũng tỏ ra quan ngại trước những thông tin về rủi ro như lừa đảo rửa tiền, chuyển tiền để làm thủ tục nhập khẩu, ký kết thực hiện nhưng không thu được tiền…
Trước những vấn đề DN phản ánh, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, DN muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này nên tìm cho mình một “bàn đạp” vững chắc, đó là đẩy mạnh xuất khẩu vào 1 nước rồi từ đó mở rộng thị trường sang quốc gia lân cận. Để giảm thiểu rủi ro, DN cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường, bạn hàng xuất khẩu; đồng thời cảnh giác trước các thương vụ quá hấp dẫn; nâng cao kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa…