Ảnh Internet |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam (KSP) đã thực hiện thành công giai đoạn năm 2009 - 2011, 2012 - 2014 và đang tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2016. Chủ đề quan trọng của giai đoạn năm 2015 - 2016 là hỗ trợ nghiên cứu để hình thành Cụm tương hỗ sản phẩm điện tử vùng Hà Nội nhằm nâng cao giá trị gia tăng, kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo cuối cùng Chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2015 - 2016 do Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ KH&ĐT phối hợp với Viện Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc và Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) tổ chức, đa số chuyên gia của Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp điện tử.
TS. Joo Daeyong thuộc Viện Kinh tế công nghiệp Hàn Quốc nhận định: “Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, nổi lên như một trung tâm của các chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp điện tử. Một số tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đã để mắt đến Việt Nam”. Tuy nhiên, sau khi thực hiện khảo sát thị trường cho phát triển ngành công nghiệp điện tử, TS. Joo Daeyong cho rằng: “Việt Nam vẫn còn thiếu những lao động có tay nghề, những doanh nghiệp (DN) công nghiệp điện tử mạnh với sức cạnh tranh cao. Những hạn chế này đang trở thành rào cản trong việc cung cấp linh kiện cho các công ty điện tử lớn toàn cầu đang hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt là mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có 3 DN hàng đầu trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu cần sự nỗ lực rất lớn”.
Thừa nhận hạn chế này, ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ KH&ĐT chia sẻ: “Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam còn yếu. Các DN hoạt động trong lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn chủ yếu là các DN FDI. Vì vậy, việc Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu hình thành Cụm tương hỗ sản phẩm điện tử vùng Hà Nội là rất cần thiết”.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển ngành công nghiệp điện tử, các chuyên gia kinh tế Hàn Quốc cho biết, vào những năm 70 của thế kỷ trước, Hàn Quốc là một nước nghèo. Nhận thức được điều này, Chính phủ Hàn Quốc đã có những chính sách thu hút FDI và có kế hoạch giữ chân các nhà đầu tư này ở lại để thúc đẩy phát triển. Với mục tiêu phát triển mạnh ngành công nghiệp điện tử, trong những năm 80 của thế kỷ XX, các DN của Hàn Quốc đã có chiến lược đầu tư mạnh mẽ, mở ra một “kỷ nguyên” mới của ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc.
Vậy Việt Nam phải làm gì để phát triển mạnh ngành công nghiệp điện tử, nhất là mục tiêu sẽ có 3 DN điện tử toàn cầu vào năm 2025? Trả lời câu hỏi này, các chuyên gia của Hàn Quốc cho biết, họ đã vạch rõ kế hoạch xây dựng cụm công nghiệp điện tử Hà Nội thông qua việc thành lập và vận hành Khu đổi mới sáng tạo; đồng thời đề xuất các chính sách để hỗ trợ ngành này phát triển bền vững.