BSR đang thực hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thêm 30% công suất so với hiện tại |
Nhiều thành công mang tính bước ngoặt
Cụ thể, tổng doanh thu năm 2017 của Công ty đạt 82.133 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8.144 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2016. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 23%, tốt hơn nhiều so với năm 2016 (14%); tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROS) đạt 9,5% (năm 2016 đạt 6,1%).
Đạt được kết quả này, theo BSR, bên cạnh chiến lược kinh doanh, công tác quản trị tiên tiến và tiết giảm chi phí, là nhờ giá dầu thô và các sản phẩm phục hồi trở lại trong năm 2017. Cụ thể, giá dầu thô trung bình năm 2017 đạt mức 54,27 USD/thùng.
Kể từ khi vận hành nhà máy đến năm 2017, tổng sản lượng sản xuất của BSR là 50.335 nghìn tấn, sản lượng kinh doanh là 50.200 nghìn tấn, tương đương 40% nhu cầu xăng dầu cả nước. Tổng doanh thu đạt 881,18 nghìn tỷ đồng, tương đương 40 tỷ USD. Nộp ngân sách nhà nước 145,52 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 6,5 tỷ USD. Như vậy, đến hết năm 2017, giá trị nộp ngân sách nhà nước của BSR đã hơn gấp đôi tổng mức đầu tư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (khoảng 3 tỷ USD).
Ngày 17/1/2018, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Công ty đã tổ chức thành công phiên IPO với toàn bộ 241.556.969 cổ phần (tương đương 7,79% vốn điều lệ). Mức giá trung bình là 23.043 đồng/cổ phần, cao hơn 57,8% so với giá khởi điểm. Tổng giá trị cổ phần bán được lên tới 5.566 tỷ đồng, cao gấp rưỡi so với dự kiến.
Chào sàn UPCOM trong ngày đầu tiên của tháng 3/2018 với giá tham chiếu 22.400 đồng, BSR đã nhanh chóng được các nhà đầu tư mua vào với mức giá trần, đạt 31.300 đồng.
Cùng với việc đăng ký giao dịch trên UPCOM, BSR sẽ bán tiếp cho nhà đầu tư chiến lược 49% cổ phần (bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước). Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 43% cổ phần tại BSR. Đã có một số tập đoàn lớn trong lĩnh vực lọc hóa dầu, xăng dầu nộp hồ sơ đăng ký tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, trong đó có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả
Trong tháng 6 và tháng 7/2017, đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 đối với hơn 7.000 hạng mục thiết bị chính của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, rút ngắn được tiến độ và mang lại hiệu quả hơn 300 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm Nhà máy vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả và liên tục trong thời gian tới.
Công tác kiểm tra, kiểm định thiết bị được triển khai và thực hiện tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước và các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế liên quan, bảo đảm kiểm tra, đo đạc và giám sát liên tục tình trạng kỹ thuật thiết bị, thu thập số liệu và phân tích cải tiến trong suốt quá trình vận hành Nhà máy. Hiện Nhà máy vận hành ổn định ở công suất tối ưu 105 - 107% (theo nhu cầu thị trường, Nhà máy có thể vận hành an toàn ở 110% công suất).
Trong năm 2017, xưởng cơ khí của BSR đã được Tổ chức ASME và NB của Mỹ đánh giá thành công và nhận được bộ chứng chỉ U, S và R, xác nhận chính thức năng lực của xưởng trong việc chế tạo và sửa chữa thiết bị áp lực theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Xưởng bảo dưỡng của BSR cũng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận trở thành Trung tâm hiệu chuẩn theo tiêu chuẩn ISO-17025. Công tác chế tạo phụ tùng của xưởng đã làm lợi, tiết kiệm chi phí mua sắm vật tư phụ tùng đến hơn 50 tỷ đồng.
BSR đã tập trung thực hiện thành công 11 giải pháp tối ưu hóa năng lượng trong năm 2017. Hiệu quả kinh tế mang lại khoảng 3,2 triệu USD, đồng thời giúp BSR giảm được chỉ số hiệu quả năng lượng EII xuống còn 106,5% (tốt hơn so với năm 2016 - 111,1%).
Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên đang chỉ đạo sản xuất
Cùng với việc thúc đẩy quá trình tối ưu hóa năng lượng, BSR đã đẩy mạnh công tác tối ưu hóa công nghệ, vận hành, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng, đa dạng hóa sản phẩm và tìm kiếm cơ hội nâng cao lợi nhuận chế biến của Nhà máy.
Năm 2018, BSR đang tiếp tục triển khai 16 cơ hội tối ưu hóa năng lượng bao gồm 11 giải pháp vận hành và 5 giải pháp cải hoán. Tính đến tháng 3/2018, 12/16 giải pháp đã được tổ chức triển khai thực hiện, 4 giải pháp tiếp tục đánh giá tính khả thi trước khi triển khai. Chỉ số sử dụng năng lượng hiệu quả EII ở thời điểm hiện tại khoảng 103% so với 106,5% năm 2017.
Lạc quan vào tương lai
Cổ phần hóa BSR là một trong những bước chuẩn bị nhằm huy động vốn đầu tư cho Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dự kiến Dự án có tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD với tỷ lệ vốn chủ sở hữu là 30%, sẽ bắt đầu được giải ngân tập trung trong giai đoạn 2019 - 2021.
Dự án sẽ nâng công suất chế biến của Nhà máy thêm 30% so với hiện tại, từ 148.000 thùng/ngày (tương đương khoảng 6,5 triệu tấn/năm) lên 192.000 thùng/ngày (tương đương khoảng 8,5 triệu tấn/năm); nâng cao độ linh động lựa chọn nguyên liệu dầu thô, đảm bảo cung cấp nguồn dầu thô ổn định, lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả cho hoạt động của Nhà máy; sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V; đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ; đáp ứng nhu cầu các sản phẩm lọc - hóa dầu trong nước; nâng cao hiệu quả đầu tư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và khu vực Trung Trung Bộ.
Đến nay, Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; hoàn thành công tác thiết kế tổng thể FEED. Hiện các cơ quan thẩm quyền đang xem xét, thẩm định, hoàn thành lựa chọn nhà cung cấp bản quyền công nghệ cho các phân xưởng mới. Theo kế hoạch, Dự án này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2021.
Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên tin tưởng: “Từng con người BSR đang cùng BSR nuôi dưỡng giấc mơ toàn cầu hóa, thể hiện trí tuệ và quyết tâm của một thế hệ người Việt mới, và là nguồn lực cốt lõi tạo ra nguồn năng lượng bền vững cho quốc gia”.
Theo đánh giá của Tổ chức Vietnam Report, BSR là doanh nghiệp đứng thứ 16 trong top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất năm 2017 và đứng thứ 7 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2017. Tầm nhìn của BSR trong tương lai sẽ là doanh nghiệp dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực lọc hóa dầu.