Lọc hoá dầu Bình Sơn phải là hạt nhân phát triển công nghiệp lọc hoá dầu

Chiều 19/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã thăm, làm việc với tập thể lãnh đạo, công nhân viên Công ty Lọc - Hoá dầu Bình Sơn (BSR).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe trình bày phương án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh VGP
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe trình bày phương án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh VGP

Công ty TNHH một thành viên Lọc- Hóa dầu Bình Sơn được thành lập ngày 9/5/2008. Công ty có trách nhiệm tiếp quản và vận hành thương mại Nhà máy lọc dầu Dung Quất (bao gồm Nhà máy sản xuất hạt nhựa PolyPropylene), các sản phẩm chính của Nhà máy là xăng A92/95, nhiên liệu diezel ôtô, dầu hỏa/nhiên liệu phản lực JetA1, LPG, dầu FO, propylen và polypropylene.

Với công suất 6,5 triệu tấn/năm, sản phẩm của Nhà máy lọc dầu có thể đáp ứng khoảng 30% - 40% nhu cầu sử dụng của thị trường trong nước.

Việc xây dựng Nhà máy lọc dầu và triển khai các dự án công nghiệp khác tại Dung Quất, Quảng Ngãi nói riêng và các tỉnh Miền Trung nói chung đã tạo tiền đề quan trọng cho ngành công nghiệp lọc hóa dầu, các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ khác phát triển.

Theo báo cáo, từ khi được đưa vào vận hành trong năm 2009 đến nay, BSR đã sản xuất được 50 triệu tấn xăng dầu, đóng góp cho ngân sách gần 140 nghìn tỷ đồng. Hằng năm, BSR đóng góp từ 80% - 90% GDP cho tỉnh Quảng Ngãi, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.500 CBCNV và hàng ngàn doanh nghiệp, đối tác cung cấp dịch vụ, vật tư, hóa phẩm xúc tác,...

Hiện nay công ty đã làm chủ công nghệ hiện đại, chủ động đổi mới hệ thống quản trị doanh nghiệp, đam mê sáng tạo, hăng hái sáng kiến, tối ưu hóa sản xuất, tập trung thực hành tiết kiệm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đã góp phần quan trọng đặt nền móng hình thành ngành Công nghiệp Lọc hóa dầu, nâng vị thế, tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại buổi làm việc với tập thể lãnh đạo nhà máy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nghe báo cáo tình hình triển khai dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để nhà máy hoạt động có hiệu quả.

Phó Thủ tướng: Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn phải trở thành hạt nhân, thành động lực của ngành công nghiệp lọc hoá dầu. Ảnh VGP

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được trong sản xuất, kinh doanh của Công ty Lọc - Hoá dầu Bình Sơn. Theo Phó Thủ tướng, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những kết quả đã đạt được là quan trọng, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi nói riêng, các tỉnh Trung Bộ và cả nước nói chung.

Theo Phó Thủ tướng, việc tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Lọc - Hoá dầu Bình Sơn đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, vận hành an toàn nhà máy đã khẳng định trình độ, năng lực của Việt Nam, đồng thời đặt nền móng quan trọng cho phát triển ngành công nghiệp lọc - hoá dầu trong tương lai.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Công ty Lọc - Hoá dầu Bình Sơn tiếp tục nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, tài chính, quản trị để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế.

Cùng với đó, phải triển khai có hiệu quả các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực quản trị. Nhà máy cũng cần sớm có các giải pháp và lộ trình để tái cấu trúc sản phẩm, tăng tỉ trọng các sản phẩm chế biến từ dầu khí.

Theo Phó Thủ tướng, những kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, vận hành, khai thác Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển ngành công nghiệp lọc – hoá dầu trong tương lai. Khi đó, Công ty Lọc - Hoá dầu Bình Sơn sẽ trở thành hạt nhân, thành động lực để phát triển ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng này.

Về việc triển khai mở rộng NMLD Dung Quất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận những khó khăn trong qúa trình triển khai và yêu cầu các Bộ, ngành liên quan sớm tìm cách tháo gỡ. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí, Công ty Lọc - Hoá dầu Bình Sơn tiếp tục nghiên cứu sâu các giải pháp kinh tế, kỹ thuật, quản trị, đảm bảo dự án mở rộng phải đạt hiệu quả kinh tế mới triển khai đầu tư.

Tin cùng chuyên mục