Lọc hóa dầu Bình Sơn vượt “bão kép”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi hàng loạt nhà máy lọc dầu trên thế giới tuyên bố đóng cửa do không thể cầm cự với “cơn bão kép” đại dịch Covid-19 và cú sốc giảm giá dầu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không là ngoại lệ.
6 tháng đầu năm 2020, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành an
toàn, ổn định, liên tục ở 105% công suất thiết kế
6 tháng đầu năm 2020, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành an toàn, ổn định, liên tục ở 105% công suất thiết kế

Trong thời điểm căng thẳng nhất, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) đã trăn trở đứng trước lựa chọn: Tiếp tục vận hành Nhà máy hay tạm ngưng?

Nhiên liệu bay vốn là dòng sản phẩm có giá trị cao nhất so với các dòng sản phẩm lọc dầu khác. Tuy nhiên, do sự tác động của đại dịch Covid-19, giai đoạn cuối quý I, đầu quý II/2020, các quốc gia đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại trong nước khiến cho ngành hàng không gần như bị tê liệt. Nhiên liệu bay (Jet A1) là sản phẩm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2020, khoảng chênh giữa sản phẩm Jet A1 và dầu thô luôn ở mức âm, trung bình -0,33 USD/thùng, trong khi mức chênh này trong năm 2019 là 11,53 USD/thùng.

Nhìn vào mức chênh lệch giá dầu thô và giá bán sản phẩm để thấy, 6 tháng đầu năm 2020 là thời gian kinh hoàng nhất của các nhà máy lọc dầu. Theo công bố của Tạp chí Platts, giai đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4, khoảng chênh lệch giữa giá sản phẩm và giá dầu thô thường xuyên ở mức âm. Như sản phẩm Mogas 95 được coi là sản phẩm chủ lực mang lại doanh thu và lợi nhuận cho BSR nhưng trong tháng 4 cũng ghi nhận mức chênh trung bình -2,98 USD/thùng (tức là cứ bán ra mỗi thùng, BSR lỗ 2,98 USD). Nhìn chung, mức chênh này của tất cả các dòng sản phẩm đều giảm sâu so với kết quả thực hiện năm 2019 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của BSR.

Trước thực tế một số thời điểm càng vận hành Nhà máy càng lỗ, giải pháp tạm đóng cửa Nhà máy không ít lần được đặt ra đối với những người có trách nhiệm của BSR.

Tuy nhiên, sẽ có những hệ lụy cực lớn khi Nhà máy tạm dừng hoạt động. Thứ nhất, BSR chế biến hơn 50% lượng dầu thô khai thác từ các mỏ trong nước. Nhà máy ngừng hoạt động đồng nghĩa với các mỏ có thể phải đóng cửa, ảnh hưởng rất lớn tới an toàn mỏ; rồi chuyện công ăn việc làm của hơn 1.500 người lao động trong Công ty, đó là chưa kể một loạt các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và hàng nghìn lao động của họ. Điều đáng lo ngại nữa là tạm dừng vận hành còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về kỹ thuật, an toàn thiết bị khi Nhà máy ở giai đoạn cuối của bảo dưỡng và đã có kế hoạch dừng 51 ngày bảo dưỡng tổng thể từ 12/8/2020… Việc này chưa từng có tiền lệ.

Dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng trở lại
Dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng trở lại

Bên cạnh đó, hàng trăm tỷ đồng đóng góp cho ngân sách nhà nước, chi phí khấu hao, chi phí thuê tàu để chứa dầu thô, chi phí dừng/khởi động lại Nhà máy và chi phí duy trì trạng thái dừng… vẫn phát sinh hàng tháng. Đặc biệt, việc dừng vận hành Nhà máy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng sản phẩm theo hợp đồng đã ký với khách hàng, nhất là trong bối cảnh nhu cầu xăng dầu trong nước từ giữa tháng 4 tăng trở lại nhờ các biện pháp kiểm soát dịch rất tích cực của Chính phủ.

Sau khi cân nhắc, trong nhiều giải pháp được đưa ra, BSR đã lựa chọn giải pháp ít thiệt hại nhất, đó là tiếp tục vận hành Nhà máy ở công suất tối ưu và áp dụng hàng loạt giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của “bão kép”. Chẳng hạn, bằng các giải pháp tiết giảm và tối ưu, chi phí sản xuất/1 tấn sản phẩm (không tính dầu thô) đã giảm 32,6% so với kế hoạch năm 2020. Ước chi phí tiết giảm trong 6 tháng đầu năm khoảng 975 tỷ đồng và cả năm 2020 sẽ giảm 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp để quản lý và kiểm soát tốt dòng tiền, vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất trong tháng 4 - 5/2020.

Với nhiều nỗ lực và giải pháp đồng bộ, BSR đã vượt qua cú sốc lớn nhất trong lịch sử ngành lọc dầu. Nhà máy vận hành an toàn, ổn định, liên tục với công suất trung bình trên 105% công suất thiết kế. Khối lượng sản xuất khoảng 3,43 triệu tấn, đạt 61,7% kế hoạch năm và 106,7% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2020. Công ty cũng đã nộp ngân sách nhà nước hơn 3.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong bối cảnh căng mình chống dịch Covid-19, BSR đã đạt trên 25,7 triệu giờ công an toàn. Hơn 1.500 cán bộ nhân viên Công ty sinh sống trên địa bàn nhiều tỉnh, thành và nhiều người nước ngoài làm việc tại BSR đều an toàn với Covid-19. “Có nhiều tuần cán bộ của chúng tôi phải ở luôn trong Nhà máy để đảm bảo vận hành an toàn và liên tục, phòng xa các trường hợp bất trắc về dịch bệnh”, lãnh đạo BSR chia sẻ.

Những bài học, kinh nghiệm vượt qua thách thức lớn trong 6 tháng đầu năm được kỳ vọng sẽ giúp Công ty tự tin hóa giải những khó khăn có thể tiếp tục nảy sinh trong thời gian tới, nắm bắt những cơ hội mới khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tăng để gia tăng lợi nhuận.

Dù vậy, vẫn còn nhiều ảnh hưởng khó lường đối với hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhất là khi dịch bệnh có nguy cơ quay trở lại. Điều này đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao, kịp thời từ PVN, sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc tháo gỡ các vướng mắc để doanh nghiệp hoạt động tốt, phát huy được lợi thế từ đội ngũ lao động lành nghề, giàu kinh nghiệm để vượt qua khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất kinh doanh, tiếp tục đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu xăng dầu trong nước.

Tin cùng chuyên mục