![]() |
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 66,6% doanh nghiệp dược kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường trong năm 2025. Ảnh: Tiên Giang |
Quý I/2025, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm đạt 594 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024, nhờ tăng trưởng từ cả hai kênh OTC và ETC. Trong đó, doanh thu kênh OTC tăng 25% so với cùng kỳ 2024, riêng khu vực miền Bắc tăng 69%, đóng góp 12% vào tổng doanh thu kênh này. Trong khi đó, kênh ETC ghi nhận mức tăng 27% so với quý I/2024, nhờ hợp tác với mạng lưới bệnh viện và danh mục sản phẩm chất lượng cao đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, trong quý I/2025, Imexpharm bắt đầu thực hiện các đơn hàng trúng thầu quốc gia, tham gia cung cấp thuốc có chất lượng ổn định và hiệu quả cao cho các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Hoạt động sản xuất được đẩy mạnh tại các nhà máy đạt chuẩn EU-GMP, cùng với kiểm soát giá vốn giúp lợi nhuận gộp của Imexpharm tăng 30%. Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 95 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2024.
Kết thúc quý đầu năm nay, Công ty CP Dược Vật tư y tế Hải Dương ghi nhận tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 9,7% và 64,3%. Công ty cho biết, sản phẩm sản xuất trên dây chuyền GMP EU được thị trường đón nhận, trong đó, hàng sản xuất đạt gần 131 tỷ đồng (tăng 17,4%) và hàng kinh doanh thương mại đạt 30,5 tỷ đồng (giảm 12,9%). Quý I/2025, Công ty đạt 16,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 64,3% so với quý I/2024.
Nhiều doanh nghiệp dược khác công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế khả quan. Đơn cử Công ty CP Dược Hậu Giang lãi 293 tỷ đồng, mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2024; Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế DOMESCO lãi 58,8 tỷ đồng, tăng 14,8%; Công ty CP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic lãi 28,3 tỷ đồng, tăng 54,6%; Công ty CP Dược phẩm AGIMEXPHARM lãi 16,3 tỷ đồng, tăng 31,4%…
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report về triển vọng kinh doanh ngành dược năm 2025, 66,6% số doanh nghiệp được khảo sát đặt niềm tin vào sự phát triển của thị trường; 13,4% dự đoán sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn; 20% giữ quan điểm thị trường sẽ duy trì trạng thái ổn định, không có nhiều biến động so với năm 2024.
Kênh ETC, vốn chiếm ưu thế trong doanh thu của ngành, được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì và chứng kiến sự tăng trưởng nhờ chính sách bảo hiểm y tế toàn dân và các quy định về đấu thầu thuốc trong bệnh viện thông thoáng hơn, cùng với đó là sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm dược phẩm chuyên biệt, đặc biệt là những loại thuốc hiếm, thuốc sinh học và thuốc điều trị các bệnh hiểm nghèo. Trong khi đó, kênh OTC dù tăng trưởng doanh thu không quá ấn tượng trong 10 tháng cuối năm 2024, nhưng đa số doanh nghiệp kỳ vọng sẽ chuyển biến tích cực hơn trong năm 2025.
Trong các năm trước, ngành dược phẩm đã chứng kiến các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn giữa Abbott Laboratories đến từ Mỹ và DOMESCO, nhà đầu tư Nhật Bản Taisho Pharmaceutical với Dược Hậu Giang, SK Group (Hàn Quốc) và Imexpharm, ASKA Pharmaceutical (Nhật Bản) và Dược Hà Tây... Trong năm 2024, tuy không diễn ra thêm thương vụ M&A lớn, nhưng nhà đầu tư ngoại vẫn thể hiện sự kỳ vọng tích cực vào triển vọng ngành dược Việt Nam thông qua việc tiếp tục đầu tư và nâng tỷ lệ sở hữu tại các công ty dược. Cùng với đó, các doanh nghiệp dược vẫn đang chi lớn để đầu tư, mở rộng, nâng cấp các nhà máy sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn cao EU-GMP, Japan-GMP, PIC-S/GMP.