Lợi nhuận quý I cao, PCC1 liên tiếp dính bê bối

(BĐT) - Công ty CP Xây lắp điện 1 (PCC1) là một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực xây lắp điện cả nước với kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án truyền tải điện quốc gia. Công ty đã triển khai nhiều hợp đồng tổng thầu EPC, PC đối với các công trình đường dây và trạm biến áp 110kV, 220kV, 500kV. Kết quả kinh doanh của PCC1 trong những năm vừa qua không làm nhà đầu tư thất vọng.
Sau vụ đổ cột điện tại Dự án Đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa, PCC1 lại bị tố rút ruột công trình. Ảnh: Nguyễn Hiệp
Sau vụ đổ cột điện tại Dự án Đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa, PCC1 lại bị tố rút ruột công trình. Ảnh: Nguyễn Hiệp

“Của để dành” dồi dào

Tính đến cuối quý I năm 2016, PCC1 có số dư lợi nhuận chưa phân phối lên tới 904 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ Công ty ở mức 342 tỷ đồng. Trong riêng quý I, PCC1 lãi ròng 106,5 tỷ đồng, tăng vọt so với kết quả đạt được cùng kỳ 2015 (34,3 tỷ đồng). EPS quý này của PCC1 đạt 3.115 đồng/CP, con số đáng mơ ước đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.

Với ưu thế về quy mô và công nghệ, PCC1 trúng thầu nhiều dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Đơn cử, sau sự cố đổ cột điện 500kV đoạn qua Bắc Giang, PCC1 liên tiếp trúng các gói thầu tổng trị giá hơn 100 tỷ đồng từ EVN.

Như vậy, sau 3 tháng đầu năm 2016, PCC1 đã thực hiện gần 35% kế hoạch lợi nhuận đề ra. Với số dư lợi nhuận chưa phân phối dồi dào, kế hoạch tăng vốn điều lệ của PCC1 trong năm 2016 sẽ dễ dàng được triển khai.

Lợi nhuận quý I/2016 của PCC1 nối tiếp chuỗi kết quả kinh doanh khả quan của Công ty. Từ năm 2012 đến 2015, lợi nhuận sau thuế của PCC1 tăng mạnh từ mức 63,7 tỷ đồng lên 245,5 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận năm 2014 tăng đột biến, đạt 424,7 tỷ đồng nhờ hạch toán lợi nhuận Dự án Mỹ Đình Plaza (Cầu Giấy, Hà Nội). Hiện PCC1 đang triển khai dự án bất động sản PCC1 Complex tại quận Hà Đông, Hà Nội. Dự án này hứa hẹn sẽ tiếp tục giúp PCC1 ghi nhận lợi nhuận khủng trong thời gian tới.

Năm 2016, PCC1 dự kiến phát hành thêm hơn 41 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ mức 342 tỷ đồng hiện tại lên 743 tỷ đồng, trong đó 21,6 tỷ đồng cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu (cổ tức và cổ phiếu thưởng), 11,5 triệu cổ phiếu bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Với tình hình kinh doanh khả quan, việc chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược của PCC1 dự kiến sẽ diễn ra hết sức thuận lợi.

Nhà nước thoái vốn, PCC1 vẫn hưởng lợi?

Việc “dính chàm” liên tục đối với một nhà thầu cũng là một thông tin cảnh báo quan trọng đối với chủ đầu tư trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Đã có quá nhiều kinh nghiệm đau thương và khó có khả năng sửa chữa chỉ vì khâu lựa chọn nhà thầu có vấn đề.
Tính đến 22/7/2015, cổ đông lớn (nắm giữ trên 5% cổ phần) của PCC1 toàn bộ là các cá nhân, trong đó ông Trịnh Văn Tuấn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) nắm giữ 32,48% vốn điều lệ. Chỉ có 4 tổ chức nắm giữ tổng cộng 3,53% cổ phần của PCC1. Việc cổ phần hóa PCC1 từ năm 2005 coi như đã hoàn thành triệt để.

Khác với các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, PCC1 không gặp khó khi đại diện Nhà nước hoàn toàn rút khỏi Công ty. Bằng chứng là Công ty vẫn liên tục trúng các gói thầu lớn do EVN làm chủ đầu tư. Có thể lý giải như đại diện EVN Hà Nội đã trao đổi với Báo Đấu thầu, PCC1 có năng lực tốt hơn các đối thủ cùng tham gia đấu thầu.

Tuy nhiên, người ta có quyền nghi ngờ chất lượng thi công các gói thầu của PCC1 khi công ty này dính đến những bê bối trong thời gian gần đây.

PCC1 là đơn vị thi công Dự án Đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa vừa bị đổ đoạn qua Bắc Giang nửa cuối tháng 4 vừa qua. Dự án động thổ vào cuối năm 2014 và gặp sự cố hơn 1 năm sau đó. Được biết, công trình có tổng mức đầu tư gần 1.452 tỷ đồng.

Gần đây, thông tin trên báo chí cho thấy PCC1 lại vừa dính vào một vụ bê bối mới.

Theo đó, một số cột điện 220kV thuộc đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220 kV Ninh Bình - Nam Định bị một người dân tố cáo nhà thầu rút ruột công trình. Nhà thầu của công trình này không ai khác là Liên danh Công ty CP Sông Đà 11 và PCC1.

Những vụ việc nêu trên đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc “dính chàm” liên tục đối với một nhà thầu cũng là một thông tin cảnh báo quan trọng đối với chủ đầu tư trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Đã có quá nhiều kinh nghiệm đau thương và khó có khả năng sửa chữa chỉ vì khâu lựa chọn nhà thầu có vấn đề.

Tin cùng chuyên mục