Tài sản đảm bảo chính là “phao cứu sinh” của ngân hàng khi xảy ra tranh chấp hợp đồng tín dụng, nên không thể thẩm định lơ là |
Đã có rất nhiều vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng có nguyên nhân xuất phát từ khâu thẩm định. Hậu quả của việc thẩm định cẩu thả, thậm chí “lờ” đi tính pháp lý của tài sản đảm bảo khiến hợp đồng thế chấp có khả năng bị tuyên vô hiệu. Đối với ngân hàng, đây là rủi ro lớn bởi ngân hàng sẽ chẳng biết “bấu víu” vào đâu khi mà “phao cứu sinh” cuối cùng là tài sản đảm bảo đã nằm ngoài tầm với.
Vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một ngân hàng và CTCP Sản xuất thương mại bao bì Hùng Vân (Công ty Hùng Vân) mới đây là một ví dụ. Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa quyết định hủy bản án sơ thẩm tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và Công ty Hùng Vân. Quyết định không chỉ khiến vụ án bị kéo dài thời gian, mà còn cho thấy “lỗ hổng” lớn trong khâu thẩm định của ngân hàng này.
Được biết, cuối năm 2011, ông Trần Trung Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Vân ký với ngân hàng hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số tiền là 12 tỷ đồng theo 4 khế ước nhận nợ. Thời hạn trả nợ là 5 tháng, mức lãi suất thỏa thuận của từng khế ước dao động từ 20,5- 22%/năm.
Ông Hùng đã thế chấp 3 tài sản gồm: quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất diện tích 54,5m2 tại xã Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) của gia đình; quyền sử dụng đất và tài sản trên đất diện tích 380m2 của hộ gia đình ông Trần Hữu Minh; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với thửa đất diện tích 172m2 tại quận Cầu Giấy do ông Nguyễn Công Điều đứng tên.
Sau khi nhận tiền giải ngân, Công ty Hùng Vân đã sử dụng để thanh toán tiền hàng. Tuy nhiên, khi đến hạn trả nợ, Công ty Hùng Vân không thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi. Kể từ khi vay, ông Hùng mới trả được 1,2 tỷ đồng tiền lãi.
Sau nhiều lần đôn đốc nợ bất thành, ngân hàng quyết định khởi kiện Công ty Hùng Vân ra tòa đề nghị thanh toán toàn bộ nợ gốc là 12 tỷ đồng, lãi tạm tính đến ngày 14/1/2015 là hơn 5 tỷ đồng (gồm lãi trong hạn, lãi quá hạn và lãi phạt do chậm trả) và tiền phạt do vi phạm hợp đồng và 240 triệu đồng.
Phía bị đơn mong muốn được trả dần nợ gốc trong 5 năm, giảm mức lãi suất trong hạn, miễn lãi quá hạn và tiền phạt. Tuy nhiên, đề nghị này không được ngân hàng đồng ý.
Giải quyết tại cấp sơ thẩm, Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm chấp nhận yêu cầu đòi nợ 12 tỷ đồng, xử lý 1 phần tài sản đảm bảo và bác bỏ đề nghị phát mại 2 khối tài sản là nhà, đất của hộ gia đình ông Trần Hữu Minh và Nguyễn Công Điều. Đồng thời, không chấp nhận lãi phạt do chậm trả và tiền phạt vi phạm hợp đồng.
Chính vì 2 vấn đề trên mà ngân hàng kháng cáo bản án sơ thẩm.
Đối chiếu với nhiều trường hợp khác, vấn đề mấu chốt trong vụ án này là “kẽ hở” trong thế chấp tài sản. Cơ quan công tố đã chỉ ra rằng, lỗi xuất phát từ chính khâu thẩm định của ngân hàng.
Trong 3 tài sản đảm bảo thì có 2 tài sản là hộ gia đình ông Trần Hữu Minh và Nguyễn Công Điều có tính chất pháp lý ràng buộc.
Tại thời điểm thế chấp, vợ ông Nguyễn Công Điều không hề hay biết và không được ký vào hợp đồng. Trong khi theo Luật Hôn nhân gia đình, nhà đất này là tài sản chung của hai người, nên vợ ông Điều cũng phải có trách nhiệm liên đới.
Tương tự, vào năm 2007, thửa đất của ông Trần Hữu Minh đã được chuyển nhượng một phần cho người khác xây nhà kiên cố trên đó.
Để bảo vệ quyền lợi, ngân hàng đã xuất trình giấy tờ đề năm 2012 với nội dung vợ ông Điều cam đoan tài sản đem thế chấp là tài sản riêng và ông Điều có quyền định đoạt mà không cần hỏi ý kiến của bà.
Về thửa đất còn lại, ngân hàng cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên chưa hoàn tất nên không được pháp luật bảo vệ.
Song những lập luận trên của ngân hàng đều không được chấp thuận. Bởi lẽ, ngân hàng không chứng minh được chữ ký của vợ ông Điều trong giấy cam đoan. Còn thửa đất của hộ ông Trần Hữu Minh, tài liệu hồ sơ thể hiện bên nhận chuyển nhượng đã xây nhà và chuyển hộ khẩu.
Trong vụ án này, Hội đồng xét xử nhận định, ngân hàng không làm hết trách nhiệm khi lập hợp đồng thế chấp. Để đảm bảo giải quyết vụ án triệt để, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội quyết định hủy án sơ thẩm để giám định chữ ký của vợ ông Điều. Đồng thời, xem xét việc tuyên vô hiệu hợp đồng của hộ gia đình của ông Trần Hữu Minh là vô hiệu một phần hay toàn bộ.