Lợi thế của hòa giải trong giải quyết tranh chấp tín dụng

(BĐT) - Tranh chấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang ngày càng gia tăng kéo theo số vụ việc được đưa ra tòa án giải quyết tăng theo, gây nên tình trạng quá tải, thời gian xử lý vụ việc bị kéo dài.
Lợi thế của hòa giải trong giải quyết tranh chấp tín dụng

Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, áp dụng phương thức hòa giải, trọng tài trước khi đưa vụ việc ra tòa án sẽ làm giảm bớt áp lực này.

Đây là nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội thảo "Những cơ hội và thách thức khi giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thông qua hòa giải và trọng tài”  do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức  mới đây.

Việc giải quyết nhanh chóng các tranh chấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thông qua cơ chế hòa giải, trọng tài, theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC, sẽ góp phần giải quyết khối nợ xấu khổng lồ hiện nay, vốn được xem như “cục máu đông” trong hệ thống ngân hàng, cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Về nền tảng pháp lý cho phương thức hòa giải, trọng tài trong giải quyết tranh chấp, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp cho biết, hiện Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại đã bắt đầu có hiệu lực. Đây là nghị định đầu tiên về hòa giải thương mại, tạo ra khung pháp lý vững chắc cho hoạt động giải quyết tranh chấp tiên tiến này.

Sự ra đời của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hòa giải thương mại đã mở thêm một cánh cửa để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; đồng thời quy định việc thành lập các trung tâm hoà giải, việc sử dụng hoà giải viên thương mại. Đây là nghị định đầu tiên về hòa giải thương mại, có hiệu lực từ 15/04/2017. Quy phạm pháp luật mới thể hiện rõ sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhà nước trong việc giám sát và thúc đẩy hoà giải thương mại như một cơ chế giải quyết tranh chấp.
Bà Nina Mocheva, chuyên gia tài chính cấp cao của Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận những đổi mới, cải cách về thiết chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thông qua hòa giải, trọng tài tại Việt Nam. Trên thế giới, đặc biệt là các định chế tài chính quốc tế, lựa chọn hòa giải, trọng tài là ưu tiên hàng đầu để giải quyết hiệu quả và nhanh gọn các cuộc tranh chấp, nhất là khi giải quyết vấn đề thu hồi nợ, nợ xấu.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hệ thống thể chế về hòa giải thương mại vẫn chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ, cần được hoàn thiện hơn trong thời gian tới. Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bên về những lợi ích của phương thức hòa giải, trọng tài, cũng cần có những cơ chế hỗ trợ cụ thể cho hoạt động này...

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC, thực tế tại Việt Nam cũng cho thấy, các vụ việc tranh chấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thường xoay quanh những nội dung như: thẩm quyền, tiền gốc, tiền lãi, bảo đảm, đáo hạn... Các bên tranh chấp thường là giữa tổ chức tín dụng với tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng và khách hàng. Nếu giải quyết tranh chấp thông qua tòa án thường phải mất tới 2 - 3 năm, trong khi đó, phương thức trọng tài có khi chỉ mất khoảng 5 - 6 tháng/vụ...

Tin cùng chuyên mục