Khu đất của Công ty CP Cao su Sao Vàng tại 231 - Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) đang liên doanh với đối tác để xây Tổ hợp chung cư cao cấp. Ảnh: Chí Cường |
Lật chiếu cho khu đất vàng
Năm 2015, Công ty CP Cao su Sao Vàng (SRC) nổi như cồn ở thị trường Hà Nội và trên sàn chứng khoán vì động thái công bố phát triển khu “đất vàng” 62.400 m2 tại số 231 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) thành một Tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại để bán và cho thuê. Trước thông tin này, cổ phiếu SRC đã tăng trần và đạt mức giá 34.200 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch ngày 24/11/2015. Tuy nhiên, sau một thời gian giảm điểm mạnh, hiện cổ phiếu SRC đang giao dịch xung quanh mức giá 28.300 đồng/cổ phiếu.
Điều đáng chú ý là, sau khi ai cũng tưởng khu đất vàng sẽ thuộc về Vingroup, FLC, BRG, nhưng SRC lại chọn bắt tay với đối tác đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn – một tên tuổi khá kín tiếng trong giới đầu tư. Công ty này có trụ sở tại Hà Tĩnh, có mặt trên thị trường 12 năm và hoạt động trong lĩnh vực thương mại, vận tải, khoáng sản, xây dựng, đầu tư dự án trên địa bàn miền Trung và Lào. Doanh nghiệp này hiện đang thực hiện Dự án xây dựng Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (bến cảng số 4, Cảng Vũng Áng) với tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 16,1 ha.
Sau việc bắt tay đó, hai bên thành lập Công ty cổ phần Sao Vàng - Hoành Sơn, với vốn điều lệ dự kiến 1.673 tỷ đồng. Việc hợp tác này sẽ tạo nguồn kinh phí hỗ trợ SRC di dời Nhà máy sản xuất lốp Radial về KCN Châu Sơn (TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Trước đó, SRC đã ký thỏa thuận tài trợ vốn tín dụng với Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) để vay 3.100 tỷ đồng phục vụ di dời nhà máy và lắp đặt dây chuyền sản xuất lốp Radial tại địa điểm mới.
Được biết, kế hoạch di dời của SRC đã có cách đây 4 năm, nhưng đã bị trì hoãn vì nhiều yếu tố, trong đó có việc lựa chọn đối tác chiến lược để phát triển khu đất vàng không được nhiều cổ đông ủng hộ. Và lần này, SRC đã chọn được đối tác nhẹ ký như Hoành Sơn để tránh bị “mang tiếng” là bị đại gia bất động sản thâu tóm đất vàng. SRC đang đặt kỳ vọng dự án tổ hợp này sẽ cứu cánh cho tình hình kinh doanh ảm đạm của Công ty. Tuy nhiên, mọi việc vẫn đang được bàn thảo.
Hụt hơi nắm bắt thời cơ
SRC tiền thân là Nhà máy Cao su Sao Vàng, thành lập từ năm 1960, chuyên sản xuất các loại săm lốp máy bay, ô tô, xe đặc chủng, xe máy, xe đạp… Sau đó, mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như mua bán, bảo dưỡng ô tô, xăng dầu, trạm xăng, dịch vụ bốc xếp hàng hóa, bãi đỗ xe.
Cùng với Công ty Cao su Miền Nam (CSM ), Cao su Đà Nẵng (DRC), Cao su Sao Vàng (SRC) đều do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nắm trên 50% cổ phần và chiếm ưu thế lớn trong ngành sản xuất săm lốp. Trong đó, SRC có thế mạnh về mảng săm lốp xe đạp, xe máy và xe ô tô cỡ nhỏ, trong khi CSM có thế mạnh ở mảng săm lốp xe máy, ô tô trọng tải vừa và DRC có thể mạnh ở mảng săm lốp xe ô tô trọng tải nặng, xe chuyên dụng. Tính chung, tất cả các mặt hàng săm lốp thì 3 tên tuổi này chiếm 78% thị phần trong nước, trong đó SRC chiếm 10%, CSM chiếm 33% và DRC chiếm 25%, còn lại 32% là của các công ty khác trong ngành và sản phẩm ngoại nhập.
Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh vị thế này, SRC ngày càng tỏ ra yếu thế hơn so với DRC và CSM, đặc biệt trong việc nắm bắt thời cơ kinh doanh từ lốp Radial.
Hiện nguồn sản xuất lốp xe đạp trong nước đã đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mỗi năm. Lốp xe máy hiện nay đáp ứng được khoảng 80% tổng nhu cầu và tỷ lệ này đối với lốp ô tô là 67-70%.
Với dòng lốp Radial, hiện nay nguồn sản xuất trong nước chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng tiêu thụ của thị trường nội địa, phải nhập khẩu hàng năm lên đến 70-80%. Theo tính toán, với sự góp mặt của các sản phẩm lốp Radial trong năm 2015 từ DRC và CSM, thì nguồn cung trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 60-62% nhu cầu lốp Radial cả nước. Nếu DRC và CSM nâng tối đa công suất lên lần lượt là 600.000 và 1.000.000 lốp/năm, với tốc độ tăng trưởng nhu cầu lốp Radial như hiện nay thì đến năm 2020, nguồn cung trong nước sẽ đáp ứng khoảng 65-67% nhu cầu nội địa. Đây là cơ sở để phân khúc lốp Radial tăng trưởng mạnh trong thời gian tới và là điểm sáng cho DRC và CSM. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức cho các doanh nghiệp này bởi không đảm bảo được chất lượng thì sẽ rất dễ đánh mất mảnh đất màu mỡ này cho các thương hiệu lốp ngoại.
Trong khi đó, SRC vẫn chậm chân hơn trong việc đầu tư mở rộng và áp dụng công nghệ mới trong sản xuất. Đây là điểm hạn chế của SRC và đang làm tốc độ tăng trưởng của Công ty chững lại. Sự chậm trễ này xuất phát từ hạn chế về quy mô và cơ cấu sản phẩm chủ lực của SRC so với DRC và CSM. DRC và CSM đều có vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng và có thế mạnh trong phân khúc lốp cao su trọng tải vừa và lớn, do đó dễ dàng hơn trong việc đầu tư phát triển công nghệ sản xuất lốp radial (đòi hỏi vốn đầu tư lớn), trong khi SRC với vốn điều lệ hơn 182 tỷ đồng thì việc đầu tư công nghệ sản xuất lốp radial là quá sức và khó có thể cạnh tranh với CSM và DRC.
Lãnh đạo Công ty thừa nhận, SRC chưa có sản phẩm mũi nhọn, chưa đầu tư phát triển được sản phẩm mới thay thế được sự suy giảm sản lượng lốp ô tô cỡ lớn. Điều này làm cho lợi nhuận của Công ty trồi sụt. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý IV/2015 của SRC chỉ đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 3,2 tỷ đồng so với cùng kỳ 2014, tương đương mức giảm 26%.