Công ty Thịnh An phải nộp bảo lãnh 1 tỷ đồng để thực hiện Gói thầu Thi công san lấp mặt bằng Dự án Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Lê Tiên |
Ký hợp đồng liên danh lòng vòng
Dự án Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) là một trong những dự án lớn liên doanh với nước ngoài với tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ USD. Quá trình thực hiện Dự án, Ban Quản lý Dự án đã ký hợp đồng san lấp mặt bằng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 Dự án với Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Khi thi công nạo vét các công trình biển phục vụ Dự án, PVC - Chi nhánh Hà Nội đã ký hợp đồng thuê thiết bị thi công công trình san lấp mặt bằng khu vực Nhà máy cho giai đoạn 1 của Dự án.
Đơn vị cho thuê là Công ty CP Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Gia Lộc có trụ sở tại Thanh Hóa, được thành lập từ năm 2003, đăng ký vốn điều lệ 120 tỷ đồng, do Nguyễn Gia Tự (sinh năm 1953, quê phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và Thiều Thị Bản (sinh năm 1956, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là Phó Tổng giám đốc. Năm 2004, Nguyễn Gia Tự đã ký quyết định ủy quyền cho Thiều Thị Bản sử dụng con dấu Công ty để ký kết các hợp đồng liên danh, liên kết.
Việc hợp tác với PVC chỉ là cho thuê thiết bị nhưng khi thực hiện xong, Thiều Thị Bản đã thông tin cho ông Đỗ Danh Khánh, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thương mại Thịnh An là Công ty Gia Lộc được nhận thầu san lấp mặt bằng Dự án Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn giai đoạn 2. Nếu Công ty Thịnh An muốn hợp tác liên doanh thì Công ty Gia Lộc sẽ ký hợp đồng để làm cùng với điều kiện Công ty Thịnh An phải nộp số tiền bảo lãnh là 1 tỷ đồng.
Sau đó, hai bên đồng ý và ký hợp đồng với nội dung liên danh san lấp mặt bằng Dự án Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn giai đoạn 2, từ cốt +3.5m đến +6.1m và cam kết sẽ được ký kết hợp đồng chính thức liên danh nhận thầu.
Thực tế, Công ty Thịnh An không có chức năng san lấp mặt bằng nhưng tiếc khoản lợi 2% giá trị hợp đồng, Công ty Thịnh An đã ký tiếp hợp đồng hợp tác thi công với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Toàn Đức do ông Lê Ngọc Toàn làm Giám đốc với nội dung san lấp mặt bằng giai đoạn 2 của Dự án với khối lượng thi công là 1 triệu m3, giá trị hợp đồng tạm tính là 80 tỷ đồng. Công ty Toàn Đức đã nộp cho Công ty Thịnh An 1 tỷ đồng tiền bảo lãnh.
Nhưng Công ty Gia Lộc không được nhận thầu Dự án nên các hợp đồng hợp tác và liên danh đều không được thực hiện. Quá trình thực hiện Dự án, Công ty Thịnh An đã đưa cho Công ty Gia Lộc 1,590 tỷ đồng.
Đưa tiền không có phiếu thu
Công ty Gia Lộc còn ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Nam Việt về việc cùng nhau hợp tác đầu tư thực hiện san lấp mặt bằng Cụm công nghiệp cầu cảng Phước Đông (tỉnh Long An) với giá trị hợp đồng là hơn 78 tỷ đồng. Theo đó, Công ty Gia Lộc có trách nhiệm đầu tư tài chính ban đầu để thực hiện hợp đồng. Trên cơ sở hợp đồng này, Công ty Gia Lộc ký hợp đồng với Công ty Thịnh An. Khi kiểm tra thực trạng thi công, Công ty Thịnh An phát hiện Dự án thi công chậm nên quyết định rút lui khỏi dự án trên.
Quá trình điều tra, Công ty Nam Việt xác định có ký hợp đồng với Công ty Gia Lộc nhưng sau khoảng 1 tháng, Công ty Gia Lộc đã tự ý tạm dừng thi công.
Tại cơ quan điều tra, ông Đỗ Danh Khánh khai, trước khi ký hợp đồng, ông được Thiều Thị Bản và Ngô Gia Tự khẳng định sẽ được thi công công trình và dẫn đi xem thực địa thì thấy có máy móc thiết bị của Công ty Gia Lộc tại công trình. Do đó, ông Khánh tin tưởng ký hợp đồng và nộp 3 tỷ đồng. Trong đó, có khoản 1,5 tỷ đồng là tiền chi phí cho Công ty Gia Lộc để được thi công công trình và không có phiếu thu.
Tại phiên tòa, Thiều Thị Bản khai chỉ nhận gần 1,5 tỷ đồng, chuyển vào tài khoản của bị cáo này. Có 50 triệu đồng, bị cáo Bản đã trả lại cho ông Khánh nhưng không có giấy tờ chứng minh. Riêng việc ông Khánh khai đưa 3 tỷ đồng là không đúng.
Cơ quan điều tra xác định, Thiều Thị Bản đã nộp 1,5 tỷ đồng về Công ty Gia Lộc, sau đó bị cáo Ngô Gia Tự rút tiền bằng 4 phiếu chi không số. Số tiền này bị cáo Nguyễn Gia Tự khai đã chuyển cho Công ty Nam Việt. Nhưng dự án không khả thi, nên Công ty Gia Lộc không tham gia. Tuy nhiên, khi nhận lại số tiền trên, Ngô Gia Tự không trả lại Công ty mà sử dụng vào mục đích cá nhân.