Trước đó, nguyên Giám đốc có tiếng một thời trong giới bất động sản bị cơ quan công tố cho rằng, đã chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng của các nhà đầu tư góp tiền mua cổ phiếu Tổng công ty CP Bất động sản Lilama Land.
Lấy danh nghĩa mua cổ phiếu thu hơn 75 tỷ đồng
Vào đầu năm 2007, Lê Trung Kiên, Tổng giám đốc Hanoi Land đã thỏa thuận thống nhất với ông Phạm Hùng, Tổng giám đốc Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) về Đề án thành lập Tổng công ty CP Bất động sản Lilama Land. Sau đó, ông Hùng đã ký thư mời các nhà đầu tư tham gia góp vốn khi Lilama Land được thành lập. Lê Trung Kiên đã sử dụng thư mời này để mời chào các nhà đầu tư góp tiền mua cổ phiếu Lilama Land.
Vào thời điểm đó, trên thị trường xuất hiện thông tin về việc thành lập Lilama Land với vốn điều lệ khủng 1.000 tỷ đồng. Vốn góp của các cổ đông sáng lập khoảng 40% vốn điều lệ, trong đó Lilama sẽ nắm giữ 10%, Công ty CP Bất động sản Hà Nội nắm giữ 10%, cổ đông sáng lập khác nắm giữ 20%, 60% vốn điều lệ còn lại sẽ phát hành ra công chúng. Ngay sau đó trên thị trường chứng khoán "chợ đen", một số nhà đầu tư truyền tai nhau thông tin mua cổ phần Lilama Land với giá gấp 1,7 - 2,5 lần mệnh giá nhưng chưa có ai nhận được sổ cổ đông.
Từ tháng 4/2007 đến tháng 5/2007, Lê Trung Kiên đứng danh nghĩa Tổng giám đốc Hanoi Land để thu 72 nhà đầu tư số tiền hơn 75 tỷ đồng với lý do thu là để mua cổ phiếu Lilama Land khi được thành lập. Toàn bộ số tiền này được chuyển về tài khoản của Hanoi Land.
Đến tháng 5/2007, Lilama triệu tập cuộc họp để bàn bạc việc thành lập Lilama Land. Nhưng Hanoi Land không được triệu tập họp. Cuộc họp đã thống nhất 6 đơn vị sáng lập là Lilama, Vinataba, Habeco, Công ty Bất động sản Tân Long, Công ty CP May Đức Giang, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC).
Lê Trung Kiên, nguyên Giám đốc Hanoi Land bị đề nghị xét xử tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng của nhà đầu tư
Khi Lilama công bố danh sách cổ đông sáng lập này thì các nhà đầu tư đã góp vốn cho Lê Trung Kiên nhận thấy Hanoi Land không có tên. Do đó, họ đã đến gặp Kiên để đòi lại tiền. Một số nhà đầu tư đã rút tiền. 45 nhà đầu tư khác đồng ý tiếp tục đầu tư và Kiên đã gửi danh sách những người này tới Lilama.
Tuy nhiên, sau đó, có một số nhà đầu tư đổi ý, có đơn đề nghị PC46 – Công an Hà Nội can thiệp để rút lại tiền đã nộp cho Kiên. Ngay trong tháng 5/2007, PC46 đã mời Kiên lên làm việc và yêu cầu giữ nguyên toàn bộ số tiền hơn 75 tỷ đồng trong tài khoản của Hanoi Land. Tiếp đó, Kiên có đơn gửi tới PC46 đề nghị cho rút tiền từ tài khoản để trả cho nhà đầu tư và được PC46 đồng ý.
Đến ngày 25/5/2008, Chủ tịch HĐQT Lilama Land phê duyệt danh sách tiếp nhận 45 nhà đầu tư đã nộp tiền cho Kiên để mua cổ phần và yêu cầu Kiên chuyển số vốn góp của 45 nhà đầu tư này sang Lilama Land. Lúc này, chỉ còn 29 nhà đầu tư kiên trì tiếp tục đầu tư vào Lilama Land.
Tuy nhiên, số vốn góp của 29 nhà đầu tư này đã không được Kiên chuyển sang Lilama Land như yêu cầu, mà sử dụng để đầu tư vào một số dự án, theo Kiên khai là để mua tàu biển ở nước ngoài và chạy xin một số dự án xây dựng trong nước nhưng không thành công. Lê Trung Kiên hoàn toàn không chứng minh và cung cấp được tài liệu liên quan. Do đó, cơ quan công tố cho rằng, Kiên phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 25 tỷ đồng của nhóm 29 nhà đầu tư nói trên.
Sau khi các nhà đầu tư biết Kiên chưa chuyển tiền sang Lilama Land, nhiều người đã tìm gặp Kiên để đòi tiền và Kiên mới trả được một phần nhỏ. Tổng số tiền Kiên còn chiếm đoạt là hơn 22 tỷ đồng.
Đến tháng 9/2008, Lê Trung Kiên đã bỏ trốn ra nước ngoài mãi cho đến tận năm 2015 mới bị bắt. Với hành vi này, cơ quan công tố đề nghị xét xử Lê Trung Kiên phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.
Phiên tòa xét xử Lê Trung Kiên đã được mở vào ngày 20/10 nhưng bị hoãn do vắng mặt một số bị hại. Theo quy định về tố tụng, phiên tòa sẽ được mở lại trong vòng 1 tháng kể từ ngày hoãn phiên tòa.