Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán cho cán bộ, chiến sĩ của Cục CTHC đã được chuyển thành Dự án Nhà ở xã hội khu Đồng Mô, Đại Kim. Ảnh: Thế Minh |
Theo tài liệu vụ án, năm 2008, Cục Chính trị hậu cần (CTHC) thuộc Bộ Công an có chủ trương thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán cho cán bộ, chiến sĩ của Cục tại khu Đồng Mô, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
UBND TP. Hà Nội có văn bản chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico 5) nghiên cứu, lập và triển khai thực hiện Dự án Đại Kim trên cơ sở đề nghị của Cục CTHC.
Đến tháng 12/2010, UBND quận Hoàng Mai có quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Tổ công tác giải phóng mặt bằng phường Đại Kim.
Tháng 7/2011, Công ty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ và đầu tư Việt Thái được Cục CTHC ủy quyền và có bản cam kết kèm theo cho phép hợp tác với Handico 5 thực hiện Dự án Đại Kim. Đại diện theo pháp luật của Công ty Việt Thái là ông Nguyễn Vũ Hùng.
Tiếp đó, Công ty Việt Thái, Handico 5, Cục CTHC đã ký thỏa thuận 3 bên về việc tổ chức thực hiện Dự án Đại Kim. Thỏa thuận này cho phép Công ty Việt Thái thu hộ tiền của những cán bộ chiến sĩ được mua nhà theo danh sách của Cục CTHC lập và chuyển cho chủ đầu tư là Handico 5. Dự án này chỉ có chủ đầu tư là Handico 5 mới có quyền huy động vốn của những người ngoài xã hội, không phải là cán bộ chiến sĩ.
Dù vậy, Nguyễn Vũ Hùng vẫn lấy danh nghĩa được ủy quyền, lợi dụng bản cam kết và giấy ủy quyền, thỏa thuận 3 bên để tạo niềm tin cho người mua nhà mua lại một số suất ngoại giao hoặc mua lại suất của cán bộ chiến sĩ đăng ký nhưng không có nhu cầu ở. Từ đó, Hùng tự ý thu tiền của những người mua căn hộ tại Dự án Đại Kim.
Cũng năm 2011, Hùng cho ông Vũ Xuân Cường - nguyên Trưởng Phòng Đầu tư xây dựng cơ bản Công ty Việt Thái giai đoạn 2007 - 2010 xem các tài liệu về bồi thường, tái định cư, giấy ủy quyền... như đã nêu trên. Ông Cường tin rằng Nguyễn Vũ Hùng mua được suất ngoại giao hoặc suất của cán bộ chiến sĩ nên đã nộp 600 triệu đồng để mua 2 suất cho vợ và con trai đứng tên.
Thấy ông Cường đăng ký góp vốn mua căn hộ cho vợ con, người thân và nhiều người quen đã nhờ ông Cường liên hệ mua căn hộ, Hùng cho biết vẫn còn nhiều suất, nếu ai muốn mua thì đăng ký trực tiếp với Công ty Việt Thái. Hùng còn nhờ ông Cường đứng ra thu tiền hộ và chuyển lại cho Hùng. Vì không biết ý định của Hùng nên ông Cường đã đứng ra thu tiền của một số người trong khoảng thời gian từ tháng 1/2011 đến tháng 6/2012.
Đến tháng 5/2015, UBND TP. Hà Nội có quyết định chuyển Dự án Đại Kim thành Dự án Nhà ở xã hội khu Đồng Mô, Đại Kim. Đây là dự án nhà ở xã hội để bán cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định pháp luật, không phải để bán rộng rãi.
Mặc dù dự án đã chuyển từ nhà thương mại sang nhà xã hội và chỉ có chủ đầu tư Handico 5 mới có quyền huy động vốn, nhưng Hùng vẫn tiếp tục sử dụng các văn bản nêu trên để tạo niềm tin cho người mua nhà. Thực tế có nhiều cá nhân nộp tiền cho Công ty Việt Thái trong những năm 2015, 2016 cho đến khi Hùng bị bắt tạm giam vào tháng 12/2016.
Tổng cộng, Hùng đã thu hơn 28,8 tỷ đồng của 65 cá nhân.
Quá trình đăng ký mua căn hộ, một số người bị hại khai còn phải trả thêm khoản tiền môi giới, tiền chênh lệch mua lại suất của cán bộ chiến sĩ ngoài hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên, những người này đều không có chứng từ chứng minh nên không có căn cứ để giải quyết.
Đáng chú ý, có 4 cá nhân, trong đó có một người là Giám đốc Công ty CP Xây dựng Đầu tư dự án Toàn Cầu đã giới thiệu khách hàng mua căn hộ tại Dự án để hưởng chênh lệch (có giấy biên nhận). Theo cơ quan điều tra, sau đó, những khách hàng này đều ký hợp đồng góp vốn với Công ty Việt Thái và bản thân 4 người này không bàn bạc, thỏa thuận, không biết ý định phạm tội của Hùng nên không có căn cứ xử lý hình sự.
Phiên tòa bị hoãn do vắng mặt một số bị hại. Theo quy định tố tụng hình sự, phiên tòa sẽ được mở lại trong vòng 1 tháng tới.