Luật Điện lực (sửa đổi): Mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được thông qua với kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn cho những dự án điện hiện hữu và mở đường thúc đẩy phát triển các dự án mới. Trong bối cảnh nhu cầu về điện năng rất lớn và dự báo sẽ liên tục tăng trong thời gian tới, đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực năng lượng vươn mình.
Một trong những điểm mới quan trọng tại Luật Điện lực (sửa đổi) là đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Nhã Chi
Một trong những điểm mới quan trọng tại Luật Điện lực (sửa đổi) là đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Nhã Chi

Kỳ vọng nhiều dự án điện mới được khởi động

Theo Bộ Công Thương, Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan. Đặc biệt, Luật bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn trong đầu tư dự án điện như: khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, chính sách mới về giá, hợp đồng mua bán điện; thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh; khuyến khích đa dạng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư…

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, điện mặt trời tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi khi Quốc hội đã thông qua Luật với tinh thần khẩn trương, quyết liệt trong việc thực hiện những giải pháp để bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển nền kinh tế, bởi câu chuyện thiếu điện đang là câu chuyện nhãn tiền”.

Ông Thịnh cho biết, cách đây ít ngày, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025. Theo đó, dự báo về tình hình cung ứng điện năm 2025 là rất thách thức khi tăng trưởng điện năng lên tới 11,3%. Trong khi đó, thời gian gần đây, các nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý liên tục phản ánh, nhiều dự án điện kể cả dự án đang thực hiện cũng như dự án mới gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vấn đề lớn nhất là thiếu cơ chế chính sách. “Việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) thể hiện sự quyết liệt trong tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế. Tôi hy vọng, nhiều dự án điện mới sẽ được khởi động sau thời gian dài im ắng, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới”, ông Thịnh kỳ vọng.

Liên quan vấn đề này, trong chia sẻ với báo chí mới đây, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, những điểm mới của Luật Điện lực (sửa đổi) không chỉ tạo ra một khung pháp lý thuận lợi cho phát triển thị trường điện mà còn góp phần nâng cao tính bền vững trong phát triển năng lượng của Việt Nam.

Theo ông Long, một trong những điểm mới quan trọng tại Luật Điện lực (sửa đổi) là việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu của thế giới hiện nay. Về giá điện, Luật cũng đưa ra các quy định mới nhằm quản lý giá điện hợp lý, công khai và minh bạch hơn, qua đó, sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy các cơ chế điều chỉnh giá điện linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế và thị trường điện.

Nhiều doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều ý kiến cho rằng các DN sẽ được hưởng lợi nhờ những quy định mới của Luật Điện lực (sửa đổi). Đặc biệt, chính sách giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh là điểm mới rất quan trọng.

Theo Bùi Văn Thịnh, hiện giá bán điện vẫn chưa hợp lý. Như vừa qua, nhiều nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo, thậm chí cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng thua lỗ vì giá mua cao hơn giá bán bình quân. “Giá điện hợp lý hơn sẽ giúp tất cả thành viên tham gia vào thị trường cùng thắng, có như vậy cuộc chơi mới bền vững, hấp dẫn”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Nhìn nhận về cơ hội dành cho DN, một nghiên cứu mới đây của Công ty CP Chứng khoán Vietcap cho rằng, việc thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) là một bước tiến tích cực cho ngành điện Việt Nam. Với khung pháp lý mới rõ ràng, minh bạch, Luật sẽ giải quyết được các nút thắt pháp lý và hiện thực hóa nguồn lực đầu tư vào ngành điện. Đặc biệt, theo Vietcap, sẽ có nhiều DN, trong đó có các DN niêm yết trong lĩnh vực năng lượng được hưởng lợi.

Phân tích cụ thể, Vietcap cho rằng, với cơ chế giá cho năng lượng tái tạo, nhiều DN hưởng lợi như: Công ty CP Cơ điện lạnh (mã REE); Công ty CP Tập đoàn PC1 (mã PC1); Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (mã HDG); Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 2 (mã TV2); Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (mã GEX). Lý do là, quy dịnh tại Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ giúp cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) đi vào thực tế. Luật đã trao quyền cho Chính phủ xác định cơ chế giá mới cho năng lượng tái tạo, dự kiến là cơ chế giá trần và sẽ được triển khai trong nửa cuối năm 2025.

Về cơ chế sản lượng hợp đồng tối thiểu cho LNG, Vietcap cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) đặt ra khung pháp lý cho cơ chế sản lượng hợp đồng tối thiểu cho các nhà máy điện khí và LNG; đồng thời, ưu tiên phát triển điện khí sử dụng khí nội địa, đồng nghĩa với việc huy động cao từ mỏ khí Lô B… Điều này sẽ có lợi cho các DN như: Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS); Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã POW); Công ty CP Cơ điện lạnh (REE)…

Cũng theo Vietcap, việc tư nhân hóa các đường dây truyền tải từ 220kV trở xuống sẽ góp phần tăng sức hút đầu tư và đẩy nhanh phát triển các dự án điện.

Để những chính sách mới đi vào cuộc sống, kích hoạt nhà đầu tư rót vốn vào các dự án điện, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai hướng dẫn thực thi Luật Điện lực (sửa đổi) cần khẩn trương, nhanh chóng, rõ ràng, qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng trong nước đang tăng “phi mã”.

Tin cùng chuyên mục