Tính ổn định của Luật Doanh nghiệp góp phần đem lại sự thuận lợi tối đa cho hoạt động kinh doanh. Ảnh: Tường Lâm |
Theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, hiện có rất ít luật có được một bộ máy theo dõi quá trình thực thi từ khi ban hành hoạt động hiệu quả như Luật DN. Giai đoạn 1997 - 1998, những người làm công tác soạn thảo Luật đã có những cuộc tiếp xúc để tham vấn với những người làm công tác kinh doanh, những người làm nghề luật trong lĩnh vực thương mại, DN và đầu tư nước ngoài. Những cuộc tiếp xúc này đã làm cho nhiều người hành nghề tư vấn pháp luật về DN cảm thấy Luật DN năm 1999 như là “luật của mình”. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật DN năm 2005 cũng như năm 2014, hoạt động tham vấn cũng diễn ra rất sớm một cách thực chất, tin cậy. Đặc biệt, để theo dõi hiệu quả thực thi Luật, Tổ thi hành Luật DN (2000 - 2004) được thành lập và giải quyết được hàng loạt vướng mắc.
Do đó, tại lần sửa đổi này, ông Quang cho rằng, việc sửa đổi phải dựa trên nguyên tắc chính là đảm bảo tính ổn định của pháp luật về DN. “Tính ổn định của pháp luật sẽ giúp cho pháp luật trở nên có thể dự đoán được, tạo sự thống nhất trong quy định pháp luật và tránh sự lạm quyền”, ông Quang nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, sau 20 năm, Luật DN đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có việc tăng an toàn và giảm rủi ro trong kinh doanh so với trước đây. Song ông Cung vẫn trăn trở: “Cảm nhận có được từ thu thập thông tin, khảo sát thực tế, xem xét thực thi pháp luật… cho thấy, đầu tư kinh doanh chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật, thực thi còn cao và phức tạp, thậm chí ngày càng tinh vi”. Chính vì thế, DN không tiên liệu trước được trong tuân thủ, rủi ro trong hoạt động kinh doanh rất nhiều, đa dạng, không định đoán được.
Về nguyên nhân của tình trạng này, ông Cung cho rằng, do hệ thống pháp luật. “Một luật có thể có 10 nghị định hướng dẫn, một nghị định có 6 - 7 thông tư, chưa kể công văn điều hành hướng dẫn… Về tính ổn định, luật có thể không đổi nhưng nghị định có thể thay đổi. Như vậy, rõ ràng tính mất ổn định từ luật đến nghị định là có. Tính mất ổn định càng cao hơn khi chuyển đến thông tư, mà thông tư lại gần như nằm trong ý chí và thẩm quyền của các bộ”, ông Cung nêu.
Làm rõ thêm, ông Cung phân tích, các bộ ban hành thông tư hướng dẫn dưới thẩm quyền của họ nên nhiều khi đúng với bộ này nhưng sai với bộ khác, đúng với thông tư này có thể sai với thông tư khác, đúng với thông tư trước nhưng có thể sai với thông tư sau. “Đây là mảnh đất cực kỳ màu mỡ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, đây cũng là nguồn gốc của rủi ro trong tuân thủ luật pháp”, ông Cung chỉ rõ.
Để đảm bảo tính ổn định của Luật DN nhằm đem lại sự thuận lợi tối đa cho hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Hưng Quang nhấn mạnh, khi sửa Luật DN cần phải xây dựng các nguyên tắc cốt lõi của luật này. Đó trước hết là nguyên tắc ổn định của pháp luật DN. “Nếu những nguyên tắc này được đảm bảo sẽ giúp cho các quy định pháp luật liên quan đến DN như: Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư… dễ dàng có sự thống nhất, phù hợp với nhau”, ông Quang nêu quan điểm.
Trên cơ sở đó, đại diện Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự khuyến nghị một số vấn đề có thể xem xét giữ ổn định và hình thành một số nguyên tắc cốt lõi như: Vấn đề sở hữu doanh nghiệp; quyền và nghĩa vụ của DN; bảo đảm thuận lợi cho người dân, nhà đầu tư gia nhập thị trường; mô hình tổ chức DN (bao gồm các loại hình DN, nhóm công ty, hộ kinh doanh); mô hình quản trị DN; mô hình tổ chức DN nhà nước; nguyên tắc bảo vệ cổ đông thiểu số...
Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng, tính ổn định của pháp luật vô cùng quan trọng đối với DN, giúp họ yên tâm đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh nguyên tắc ổn định của pháp luật, TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý, cải cách Luật DN phải đồng hành và kết hợp với cải cách hệ thống tòa án thì mới có thể tạo ra hệ thống thể chế thân thiện, vì DN, thúc đẩy sự phát triển.