Theo các đại biểu, tình trạng lập quy hoạch quá nhiều nhưng không hiệu quả gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra phổ biến. Nếu thời kỳ 2001 - 2010, số quy hoạch được lập là trên 3.000, thì đến thời kỳ 2011 - 2020, số lượng quy hoạch các loại dự kiến được lập là trên 19.000 quy hoạch, tăng gấp 6 lần. Hầu hết các quy hoạch được lập không gắn với nguồn lực thực hiện. Các dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch quá lớn, không phù hợp với khả năng huy động vốn, nên kết quả quy hoạch hạn chế. Từ những bất cập nêu trên, TS. Trần Du Lịch đề xuất, cần sớm ban hành Luật Quy hoạch, nhưng phải hoàn thiện theo hướng giải quyết được các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Phải xác định rõ trong Luật loại quy hoạch nào mang tính định hướng, loại quy hoạch nào mang tính pháp lệnh.
Dẫn chứng vùng kinh tế của đất nước ta quá rộng, ví dụ vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có gần 14 tỉnh, thành thì không thể có quy hoạch “cứng”, mà chỉ quy hoạch mang tính định hướng cho địa phương trong từng vùng, các đại biểu đề xuất, Luật Quy hoạch phải chế định các nội dung để khắc phục tình trạng quy hoạch trên giấy.