Luật riêng cho đặc khu để tránh “trăm hoa đua nở”

(BĐT) - Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) cho rằng, chúng ta chưa có thực tiễn đối với việc phát triển các đặc khu nên nếu xây dựng luật áp dụng chung, không khéo sẽ có chuyện trăm hoa đua nở, không còn đúng tính chất của đơn vị HCKTĐB.
Cơ chế đặc biệt để giải phóng sức sản xuất, khơi dậy tiềm năng là cơ sở thu hút nguồn lực phát triển các đặc khu. Ảnh: Lam Thanh Sơn
Cơ chế đặc biệt để giải phóng sức sản xuất, khơi dậy tiềm năng là cơ sở thu hút nguồn lực phát triển các đặc khu. Ảnh: Lam Thanh Sơn

Lựa chọn 3 đơn vị là phù hợp

Chiều 22/11, Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại Hội trường. Đây là dự Luật mang tính đột phá, thử nghiệm những thể chế vượt trội nên đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu. Đa số các ý kiến thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật, để tạo khung pháp lý, thể chế vượt trội để phát triển các đơn vị HCKTĐB thành các cực tăng trưởng của cả nước, cạnh tranh được với khu vực và thế giới, đón các làn sóng đầu tư mới.

Vấn đề nhận được khá nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội là phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự Luật. Một số ý kiến cho rằng không nên quy định chỉ áp dụng cho 3 đơn vị Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, mà nên xây dựng luật chung cho các đặc khu kinh tế, nếu xuất hiện các đặc khu mới, có cơ hội mới thì Quốc hội ra Nghị quyết, không phải sửa luật nữa.

Tuy nhiên, đa số đại biểu cho rằng, việc xây dựng luật cho 3 đơn vị như trên là phù hợp trong điều kiện hiện nay và tránh tình trạng đặc thù thành đại trà, cơ chế vượt trội không còn ý nghĩa. Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đánh giá, cách tiếp cận vấn đề của ban soạn thảo là làm luật riêng cho 3 khu vực sẽ tốt hơn là làm luật chung. Bởi Việt Nam chưa có kinh nghiệm, cần thử nghiệm đối với các cực tăng trưởng, khi có kinh nghiệm rồi thì làm luật chung.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) khẳng định, việc ban hành Luật điều chỉnh 1 hoặc 1 số đơn vị hành chính cụ thể là không trái Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không cấm. Đại biểu Hoa chỉ ra kinh nghiệm làm luật của một số nước trên thế giới, ngoài những bộ luật đồ sộ vẫn có những luật điều chỉnh phạm vi nhỏ hẹp. Đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) cũng cho rằng phạm vi điều chỉnh áp dụng cho 3 đơn vị cụ thể như dự Luật là phù hợp, góp phần hình thành 3 cực tăng trưởng tại 3 miền, thử nghiệm các thể chế mới.

Làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 3 khu vực được lựa chọn có tính đại diện cho 3 miền, có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên thuận lợi, tiềm năng phát triển một số ngành nghề có thể cạnh tranh được với khu vực và thế giới, có khả năng phát triển đa ngành đa lĩnh vực, thu hút được nhà đầu tư chiến lược, đồng thời có vị trí khá biệt lập. 

Nguồn lực sẽ đến khi có cơ chế hấp dẫn

Để tạo nền tảng cho 3 đặc khu phát triển, trên nhiều diễn đàn, câu hỏi thường xuyên được đặt ra là lấy nguồn lực ở đâu. Thảo luận tại Quốc hội, Đại biểu Phạm Hồng Hương (đoàn Hải Dương) đưa ra lời giải, Quốc hội phải cho 3 khu này cơ chế đặc biệt để giải phóng sức sản xuất, khơi dậy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh thì sẽ thu hút được nguồn lực, nhất là nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài.

Trước băn khoăn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) về việc được - mất trong thu hút đầu tư, không nên thu hút đầu tư bằng mọi giá, lợi 10 đồng nhà đầu tư nước ngoài được 8 đồng thì không nên làm, đại biểu Nguyễn Văn Thân tranh luận, đầu tư kinh tế không nên nghĩ là họ được 8 mình được 2 thì không làm. “Bởi vì nếu không thu hút, không làm gì các đặc khu này vẫn như vậy, 2 phần mình cũng không được. Mình đã được 2 rồi, đằng sau cái được đó còn nhiều cái được”, đại biểu Thân nhấn mạnh, đồng thời lấy ví dụ nếu thu hút đầu tư casino sẽ kéo theo rất nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, khách đến chơi casino cũng sẽ sử dụng các dịch vụ du lịch, ăn uống…

Trong số các cơ chế, chính sách vượt trội để tạo hấp lực thu hút đầu tư vào 3 đặc khu, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phải xây dựng phương án tổ chức chính quyền địa phương theo phương án 1 mà Chính phủ đưa ra. Đó là không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị HCKTĐB mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB.

Theo nhiều đại biểu, mô hình này thể hiện tính đột phá, đồng thời không vênh với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Về lo ngại Trưởng đơn vị HCKTĐB có quá nhiều quyền lực, có thể lạm quyền và khó giám sát khi không tổ chức HĐND, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, không nên quá lo lắng vì Dự thảo Luật đưa ra nhiều cơ chế giám sát hữu hiệu, như của đoàn đại biểu Quốc hội, nhân dân, báo chí, mật trận tổ quốc, cơ quan hành chính cấp trên.