Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, cựu Phó tổng giám đốc PVN. Ảnh: TTXVN |
Sáng 8/1, trước khi VKS công bố cáo trạng xét xử 22 cựu lãnh đạo, cán bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), luật sư Nguyễn Văn Chiến (một trong sáu luật sư bảo vệ bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - cựu Phó tổng giám đốc PVN) nêu quan điểm cho rằng đây là vụ án lớn, phức tạp có nhiều lời khai đối lập. Ông đề nghị tòa cách ly các bị cáo và nhân chứng có lời khai đối lập khi xét hỏi.
"Vụ án điều tra nhanh, còn nhiều tài liệu chứng cứ phát sinh chưa được nghiên cứu nên chúng tôi đề nghị được tạo điều kiện tiếp cận bị cáo trong những lúc HĐXX không làm việc", luật sư nói.
Luật sư Đinh Anh Tuấn (một trong ba người bào chữa cho cựu tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực) cho hay đã thu thập được thêm chứng cứ phục vụ việc bào chữa. Theo luật sư, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định luật sư phải cung cấp cho thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nhưng đây là vụ án điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian quá nhanh, "vì thế tôi chưa kịp giao nộp, đề nghị HĐXX cho giao nộp chứng cứ ngay tại phiên tòa".
Ông Tuấn đề nghị triệu tập thêm cựu chánh văn phòng PVN với tư cách nhân chứng để làm rõ chứng cứ mới thu thập nhằm bảo vệ thân chủ.
Trước các ý kiến trên, tòa hồi đáp "sẽ làm theo đúng quy định, còn nhân chứng nếu cần thì sẽ triệu tập thêm".
Ông Đinh La Thăng trong phần xét hỏi, phía sau là bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN.
Có 42 luật sư bảo vệ quyền lợi cho 22 bị cáo. Quá trình xét hỏi, tòa sẽ triệu tập bảy người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 31 người làm chứng.
Ông Đinh La Thăng mời ba luật sư bảo vệ là các ông Phan Trung Hoài, Đào Hữu Đăng và Nguyễn Huy Thiệp. Luật sư Hoài cho biết, ông phải xin vắng mặt tại phiên xử vụ án Phạm Công Danh cũng mở sáng nay tại TP HCM để tham gia phiên tòa này.
Năm luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh gồm các ông Nguyễn Quốc Hùng, Trần Hồng Phúc, Lê Văn Thiệp, Nguyễn Văn Quynh và bà Ngô Thị Thu Hằng.
Phiên xử dự kiến kéo dài đến ngày 21/1.