14h ngày 29/3, TAND Hà Nội tuyên án với ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam – PVN) cùng sáu thuộc cấp trong vụ án cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng.
Cáo trạng công bố vào phiên khai mạc ngày 19/3 cho thấy năm 2008 ông Thăng ký thỏa thuận góp 800 tỷ vào Oceanbank mà không thông qua HĐQT, chưa có sự đồng ý của Thủ tướng, không báo cáo Bộ Tài chính... Hậu quả của những hành vi trên đã làm mất toàn bộ vốn góp của PVN.
Sáu thuộc cấp của ông Thăng ở PVN gồm: ông Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc), Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng), Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức, Nguyễn Xuân Thắng (cựu thành viên HĐTV) bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức hoặc giúp sức tích cực.
Xuyên suốt phiên tòa, ông Thăng cũng như các luật sư bào chữa đều khẳng định những cáo buộc trên không có cơ sở.
Ông Đinh La Thăng: Tôi không làm trái, không gây thiệt hại
Từ khi bắt đầu trả lời thẩm vấn cho tới nói lời sau cùng, ông Thăng luôn khẳng định: không làm trái và không gây thiệt hại. Ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần, việc góp vốn có sự nhất trí của các thành viên HĐQT chứ không phải do ý chí cá nhân của ông.
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN.
Cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng khẳng định việc góp vốn này đúng chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ vì thế ông "cố ý làm đúng chứ không làm sai".
Luật sư liên tục đòi VKS đối đáp
Trước các cáo buộc với thân chủ, bào chữa cho ông Đinh La Thăng, luật sư Phan Trung Hoài đặt hơn 10 câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước, sáu trang bản thảo câu hỏi với đại diện Bộ Tài chính. Đến phần tranh luận, bài bào chữa của luật sư này dài gần 30 trang.
Luật sư Hoài đưa ra nhiều văn bản và khẳng định từ năm 2006 Chính phủ đã có văn bản cho phép PVN được kinh doanh đa ngành, trong đó có tài chính, ngân hàng. PVN cũng được phép góp vốn vào tổ chức tín dụng.
Năm 2010, Chính phủ có văn bản cho phép công ty nước được đầu tư mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp, với mức tối đa 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp. Thẩm quyền quyết định dự án đầu tư ra ngoài công ty nhà nước thuộc về HĐQT hoặc tổng giám đốc.
Phân tích về bối cảnh góp vốn, luật sư cho rằng do không thành lập được Ngân hàng Hồng Việt, dẫn đến HĐQT và Ban Điều hành PVN phải tìm đối tác tham gia góp vốn để giải quyết những hệ lụy từ việc này. Cụ thể, ông Thăng thay mặt HĐQT chỉ đạo cho hai phó tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Sự và Nguyễn Xuân Sơn làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn. Trong số này, duy nhất Oceanbank đồng ý cho PVN góp cổ phần và tiếp nhận toàn bộ nhân sự, cơ sở vật chất từ dự án Ngân hàng Hồng Việt.
Trước cáo buộc ông Thăng ký thỏa thuận góp vốn với Oceanbank không thông qua HĐQT, luật sư Hoài cho rằng bằng chứng quan trọng nhất là trước khi ký, ông Nguyễn Ngọc Sự đã có văn bản gửi HĐQT PVN.
Luật sư Hoài cũng nêu nhiều tài liệu phản bác việc buộc tội ông Thăng ký góp vốn, bổ sung vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng. Theo đó, trong ba đợt góp vốn, ông Thăng chỉ ký lần đầu, hai lần sau do thành viên Hội đồng quản trị là ông Vũ Khánh Trường và Nguyễn Xuân Thắng ký.
Về khoản góp vốn lần ba trị giá 100 tỷ đồng, luật sư giải thích, do ông Đinh La Thăng thời điểm đó là đại biểu Quốc hội đi công tác dài ngày tiếp xúc cử tri nên ủy quyền điều hành hoạt động của Hội đồng thành viên PVN cho ông Nguyễn Xuân Thắng.
Bên cạnh đó, các luật sư bảo vệ ông Thăng đều khẳng định việc thoái vốn của PVN ở Oceanbank đã được HĐQT tập đoàn này ra nghị quyết. Thủ tướng giao Phó thủ tướng chấp thuận thông qua đề án tái cơ cấu cho chuyển nhượng vốn của PVN. Thủ tướng cho phép tới năm 2015 PVN được thoái toàn bộ vốn ở Oceanbank. Nhưng sau đó Văn phòng Chính phủ lại có văn bản do Phó thủ tướng ký chỉ đạo dừng thoái vốn, giao Ngân hàng Nhà nước xử lý.
Cho tới năm 2014, việc góp 800 tỷ vốn vào Oceanbank đã mang lại hiệu quả.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN.
Luật sư Hoài còn công bố một văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2013 chấp thuận đề án tái cấu trúc, cho phép Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 5.350 tỷ đồng để đảm bảo giảm cổ phần của các cổ đông lớn cho đúng quy định trong đó có PVN. Việc thoái vốn của PVN được các bộ ngành như Bộ Công thương đồng ý.
Với các dẫn chứng trên, luật sư cho rằng PVN bị mất 800 tỷ không phải do hành vi cố ý làm trái của ông Thăng vì vậy ông này không có trách nhiệm với khoản tiền này.
VKS: Ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm với 800 tỷ bị mất
Trước những lời khai, tranh luận của luật sư VKS khẳng định bị cáo Thăng có thẩm quyền cao nhất tại PVN, có trách nhiệm quản lý, bảo toàn và phát triển vốn do Nhà nước giao, nhưng đã chỉ đạo và quyết định góp vốn vào Oceanbank trái quy định của pháp luật.
Việc PVN góp vốn để trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank bắt buộc phải báo cáo Thủ tướng để xin phép về chủ trương trước khi thực hiện. Nhưng khi ông Thăng ký thỏa thuận và ban hành nghị quyết góp vốn vào Oceanbank chưa được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa về việc được sự đồng ý của người đứng đầu Chính phủ là không đúng sự thật khách quan, biện minh cho hành vi vi phạm, né tránh trách nhiệm.
Với lần góp vốn thứ ba, cơ quan công tố cho rằng tại phiên tòa bị cáo khai không biết là thể hiện sự chối bỏ trách nhiệm đối với hành vi làm trái của bản thân và đồng phạm.
Đồ họa: Vnexpress.
Hành vi trên của ông Thăng bị VKS kết luận đã đủ căn cứ phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế", gây thiệt hại cho Nhà nước và PVN 800 tỷ đồng. Mức hình phạt đề nghị với ông Thăng 18-19 năm tù.
VKS đánh giá tính chất phạm tội của ông Thăng cùng đồng phạm là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, không chỉ gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn của Nhà nước, mà còn xâm hại đến sự đúng đắn trong công tác quản lý tài sản nhà nước, đến uy tín đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức và niềm tin của quần chúng.
Ông không thực sự ăn năn, hối cải mà có thủ đoạn che giấu hành vi, né tránh trách nhiệm và hậu quả gây ra. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, VKS đánh giá ông chưa thành khẩn nhận lỗi về các hành vi do vậy, cần có mức án nghiêm khắc.
Tuy nhiên, VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét quá trình cống hiến và trong quá trình truy tố có nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu của ông Thăng khi lượng hình.
Tháng 1, ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù cũng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999). Ở vụ án này, ông Thăng bị cáo buộc chỉ định thầu trái quy định dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng trị giá khoảng 1,7 tỷ USD cho công ty con của PVN là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC).
Ông còn tiếp tục chỉ đạo cho PVN tạm ứng hơn 1.000 tỷ cho PVC, tạo điều kiện cho ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) sử dụng tiền sai mục đích, gây thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.
Ông Thăng cùng nhiều bị cáo đã chống án, đang chờ mở phiên phúc thẩm.