Ảnh Internet |
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện lại không hề đơn giản. Nói như ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế thuộc Bộ Tư pháp thì việc cắt giảm này không phải dễ dàng vì ngay trong nội bộ cũng có lực cản.
Nhiều điều kiện sinh ra không biết để làm gì?
Tại buổi toạ đàm về điều kiện kinh doanh do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quá trình rà soát mới thấy nhiều ĐKKD không biết “sinh ra” để làm gì?
Ông Tuấn lấy ví dụ, có một số điều kiện về nhân lực được đặt ra như yêu cầu đạo đức tốt, sức khoẻ tốt. Nhưng không biết đánh giá đạo đức tốt, sức khoẻ tốt là như thế nào, tiêu chuẩn ra sao.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, khi rà soát thấy nhiều điều kiện không rõ nội dung quản lý nhà nước. Việc đặt ra các điều kiện là để bảo an ninh quốc phòng, an toàn sức khoẻ cộng đồng…, tuy nhiên, nhiều điều kiện đặt ra như những ràng buộc về quy mô, về vốn… lại đang hạn chế DN tiếp cận thị trường.
Kể lại một câu chuyện thực tế, ông Tuấn chia sẻ, có một DN được quy hoạch nhiên liệu cho vùng sản phẩm, nhưng quá trình đầu tư lại không hiệu quả dẫn tới bị phá sản. Khi một DN khác mua lại và tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh thì dẫn đến một câu chuyện mới là DN mới này không có tên trong danh sách quy hoạch sản phẩm nên gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Tuấn cũng cho biết, bản thân ông khi trao đổi với DN, họ đều khẳng định không “ngại” nếu các điều kiện đưa ra hợp lý. Còn lại, đối với những điều kiện kinh doanh vô lý, chồng chéo, có nguy cơ tuỳ tiện thì DN rất sợ.
Dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đại diện Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện có hơn 1.336 quy định về năng lực sản xuất; 1.090 điều kiện về nhân lực, 302 điều kiện về tài chính… và vô vàn các điều kiện khác nữa đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Nhiều khi phải đấu tranh nội bộ
Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế thuộc Bộ Tư pháp cho biết, thực tế nhiều cơ quan nhà nước cũng không thống kê hết nổi số lượng ĐKKD hiện nay. Lúc đầu, số quy định về ĐKKD của Bộ Công Thương đưa ra là 1.152. Sau một thời gian rà soát lại, Bộ Công Thương lại phát hiện ra con số này là 1.216 trên 27 ngành, nghề (chưa tính ngành sản xuất, nhập khẩu ô tô).
Đề cập tới động thái đề xuất cắt bỏ tới 675 ĐKKD vừa qua của Bộ Công Thương, ông Tú cho rằng, đây chính là sức ép lớn đối với các bộ, ngành khác. Cũng theo ông Tú, Nghị định 19 về nhập khẩu khí gas đặt ra rất nhiều điều kiện về mặt quy mô, có số lượng vỏ bình là bao nhiêu thì mới đủ tiêu chuẩn.
“Vừa rồi, Bộ Công Thương đã kiên quyết loại bỏ ĐKKD không phù hợp. Đây là điều rất đáng hoan nghênh. Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi biết Bộ Công Thương cũng có nhiều tranh luận gay gắt trong nội bộ. Có thể nói, việc cắt giảm các ĐKKD như vậy không phải là dễ dàng vì ngay trong nội bộ cũng có lực cản”, ông Tú nhận định.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, ĐKKD quá nhiều là rào cản phát triển, dập tắt sáng tạo. Tuy nhiên, việc cắt giảm ĐKKD là việc rất khó, bởi nếu không có sức ép họ không dễ gì từ bỏ nguồn lực.
Theo ông Toàn, để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư và DN, việc cần làm lúc này là tổng rà soát lại toàn diện các ĐKKD trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài và các quy trình, thủ tục để kiểm soát các điều kiện đó.