Lương tối thiểu tăng 6,5%, doanh nghiệp than khó

(BĐT) - Sau 3 phiên họp, ngày 7/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu để đi đến kết quả cuối cùng. Theo đó, phương án được đa số thành viên lựa chọn đó là mức tăng lương bình quân 6,5%. Với kết quả này, cả hai bên đại diện cho doanh nghiệp (DN) và người lao động đều chưa hài lòng.
Theo các doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Theo các doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Chờ quyết định của Chính phủ

Ngày 7/8, cuộc họp lần 3 của Hội đồng Tiền lương quốc gia về mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2018 đã kết thúc. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thống nhất đưa ra 2 phương án để bỏ phiếu là mức tăng bình quân 7% và 6,5%.

Kết quả có 6/14 thành viên Hội đồng bỏ phiếu mức tăng 7%; 8/14 phiếu bỏ cho phương án tăng 6,5%. Như vậy, mức tăng được “chốt” là 6,5% so với lương tối thiểu vùng năm 2017, tương đương với việc tăng từ 180.000 - 230.000 đồng trong 4 vùng lương. Căn cứ vào mức đề xuất này, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.

Tại cuộc họp báo được tổ chức ngay sau phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, phương án tăng lương ban đầu của các phiên và các bên chênh nhau rất lớn. Qua các phiên đối thoại, khoảng cách giữa các phương án được thu hẹp.

“Mức tăng 6,5% mà Hội đồng quyết định được cân nhắc dựa trên bối cảnh kinh tế, sự phát triển của DN và người lao động. Đồng thời, tính toán đến sự chi trả của các DN và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Diệp khẳng định.

Trong khi đó, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Con số 6,5% do Hội đồng bỏ phiếu chúng tôi chấp nhận nhưng chưa thoả mãn. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã bỏ phiếu chọn mức 7% trên cơ sở có tính toán, chia sẻ nhiều với DN”.

Về phía đại diện DN, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết ông cũng “chưa hài lòng” với kết quả này. Mặc dù kinh tế - xã hội có cải thiện, song theo ông Phòng, DN vẫn gặp nhiều khó khăn về thị trường, lao động, môi trường kinh doanh và các yếu tố khác.

“Mức độ sản xuất kinh doanh có lúc này lúc khác, việc liên tục tăng lương tối thiểu trong 5 năm từ 2013 - 2017 sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của DN. Khi VCCI thực hiện khảo sát, các DN cho biết không muốn tăng lương tối thiểu. Bởi lương tăng sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN”, ông Phòng cho biết.

Cũng theo ông Phòng, DN mong muốn người lao động cùng thông cảm, chia sẻ, gánh vác những khó khăn hiện tại, vì sự phát triển DN nói riêng và sự phát triển kinh tế nói chung. 

Cần có lộ trình tăng lương “dài hơi”

Mức tăng 6,5% mà Hội đồng quyết định được cân nhắc dựa trên bối cảnh kinh tế, sự phát triển của DN và người lao động. Đồng thời, tính toán đến sự chi trả của các DN và sức cạnh tranh của nền kinh tế
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) cho rằng: “Đương nhiên người bảo vệ lao động muốn người lao động có thu nhập cao, nhưng khách quan mà nói thì thu nhập cao phải xuất phát từ việc cải thiện năng suất lao động và khả năng chi trả của bản thân DN”.

Theo ông Giám, người lao động muốn nâng cao chất lượng cuộc sống thì phải cải thiện năng lực, năng suất lao động, dịch chuyển sang vị trí cao hơn để có thu nhập tốt hơn - đó mới là sự cải thiện thực chất.

“Hàng năm nếu cứ đề ra mức tăng lương tối thiểu tăng cao hơn so mức tăng GDP và mức tăng thu ngân sách nhà nước thì chúng ta đã tự gây khó khăn cho bản thân mình. Ngoài ra, về mặt chính sách cần ổn định. Tức là cần có lộ trình tăng lương kéo dài 3 - 5 năm, thay vì năm nào cũng bàn đến chuyện tăng lương. Mức tăng có thể là dựa vào mức gia tăng nguồn thu của Chính phủ hay của DN hay tăng GDP (cộng trừ 1 - 2% tuỳ thuộc vào các yếu tố được nghiên cứu cẩn thận). Có như vậy, DN mới chủ động việc lên kế hoạch, tính toán được công việc sản xuất kinh doanh”, ông Giám kiến nghị.

Cũng theo ông Giám, việc tăng lương tối thiểu sẽ có hai mặt. Người lao động sẽ có một số lợi ích như tăng bảo hiểm khi về hưu… Tuy nhiên, việc đẩy chi phí tiền lương kèm theo đó là các loại phí bảo hiểm, công đoàn lên cao… có thể khiến DN khó khăn, thu hẹp sản xuất. Từ đó, không tạo ra nhiều việc làm, thậm chí có thể cắt giảm nhân sự vì gánh nặng chi phí nhân công quá lớn.

Đa số các chuyên gia đều đồng tình, việc tăng lương phải phụ thuộc vào tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý, hiện năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp trong khu vực, thậm chí thấp hơn Lào.

Trong phân tích chi tiết về năng suất lao động Việt Nam giai đoạn 1996 - 2016, PGS. TS. Vũ Hoàng Ngân, TS. Nguyễn Thị Cẩm Vân thuộc Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, dù đến năm 2010, Lào vẫn đứng sau Việt Nam trong bảng xếp hạng về năng suất lao động, nhưng với tốc độ tăng năng suất ngày càng lớn, Lào đã dần thu hẹp khoảng cách, nhanh chóng bắt kịp năng suất lao động của Việt Nam vào năm 2012, và sau đó Việt Nam đã bị tụt lại phía sau.

Hơn nữa, mặc dù có những cải thiện tích cực, song không thể phủ nhận thực tế là khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam so với các nền kinh tế thành công trong khu vực như Singapore, Thái Lan… ngày một xa hơn.