Lượng tồn kho tăng mạnh, giá dầu “bốc hơi” 4%

Giá dầu trượt xuống đáy gần 5 tháng sau thống kê cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng mạnh...
So với mức đỉnh của năm 2019 thiết lập hồi tháng 4, giá dầu Brent hiện giảm 20%, còn giá dầu WTI đã trượt 23% - Ảnh: Getty/CNBC.
So với mức đỉnh của năm 2019 thiết lập hồi tháng 4, giá dầu Brent hiện giảm 20%, còn giá dầu WTI đã trượt 23% - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới sụt xuống đáy gần 5 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi Chính phủ Mỹ công bố thống kê cho thấy tồn kho dầu thô của nước này tăng mạnh tuần thứ hai liên tiếp.

Theo hãng tin CNBC, dữ liệu này là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự gia tăng của nguồn cung, đúng vào thời điểm thị trường đang lo ngại về sự suy yếu của nhu cầu năng lượng dưới tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 7 giảm 2,13 USD/thùng, tương đương giảm 4%, còn 51,15 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu WTI trong gần 5 tháng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 7 giảm 2,32 USD/thùng, tương đương giảm 3,7%, còn 59,97 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1 giá dầu Brent chốt phiên dưới 60 USD/thùng.

Báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của nước này tăng 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 7/6, thay vì giảm gần nửa triệu thùng như dự báo trước đó của giới phân tích.

"Ít nhất, dữ liệu này sẽ khiến các nhà giao dịch đứng bên lề thị trường, hoặc nhiều khả năng hơn là gây sức ép đối với giá dầu cho tới khi giảm tới một mức sàn nào đó", chiến lược gia Michael Bradley thuộc Tudor, Pickering, Holt & Company nhận xét.

So với mức đỉnh của năm 2019 thiết lập hồi tháng 4, giá dầu Brent hiện giảm 20%, còn giá dầu WTI đã trượt 23%.

Giá dầu đang nhận được một chút lực hỗ trợ từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, sẽ gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng. Tuy vậy, sức ép lớn đối với giá "vàng đen" vẫn đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhân tố có thể gây suy giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

"Vẫn là mối lo về triển vọng nhu cầu, bởi tình hình chiến tranh thương mại Mỹ-Trung", ông John Kilduff thuộc quỹ đầu cơ năng lượng Again Capital phát biểu.

Hôm thứ ba, EIA cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu còn 1,2 triệu thùng/ngày trong 2019, so với mức dự báo 1,4 triệu thùng/ngày đưa ra trước đó.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo OPEC+ sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho tới hết năm 2019, nhưng cho rằng nỗ lực này sẽ chỉ có tác dụng khiêm tốn trong việc hỗ trợ giá dầu bởi sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tiếp tục lập kỷ lục.

Theo Goldman Sachs, giá dầu Brent sẽ dao động quanh ngưỡng 65,5 USD/thùng trong quý 3 năm nay.

Tin cùng chuyên mục