Khi những điều bất hạnh qua đi cũng là lúc đồng USD tăng giá.
Đó là nhận định vừa được ngân hàng Deutsche Bank – nhà giao dịch tiền tệ lớn thứ hai thế giới – đưa ra cùng với dự báo đồng bạc xanh sẽ tiếp tục tăng giá sau khi sụt giảm trong tháng 2 vừa qua.
Theo đó, chỉ số khốn khổ (có công thức tính bằng tỷ lệ lạm phát cộng tỷ lệ thất nghiệp) đang ở mức thấp nhất trong gần 6 thập kỷ và hỗ trợ tốt cho triển vọng của đồng USD. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp nhất 8 tháng trong khi Cục dự trữ liên bang (Fed) sắp có cuộc họp bàn về lãi suất.
“Thị trường lao động càng thắt chặt, chúng ta càng có lý do để tin rằng Fed sẽ hỗ trợ đồng USD”, Alan Ruskin, trưởng bộ phận nghiên cứu tỷ giá tại Deutsche Bank, nói.
Trong tháng 2 vừa qua chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index theo dõi diễn biến của đồng USD so với 10 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm 1,8% vì lo ngại đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu sẽ kéo nền kinh tế lớn nhất thế giới đi xuống. Do đó USD vừa trải qua tháng tệ nhất kể từ tháng 4/2015 sau khi tăng liền mạch 2 năm trước đó nhờ dự báo Fed sẽ tăng lãi suất trong khi những nước lớn khác nới lỏng chưa từng có.
Ruskin dự báo từ nay đến cuối năm USD sẽ tăng thêm 95 cent so với euro. Hôm nay (4/2) đồng USD tiếp tục tăng 0,1%, lên mức 1,0925 USD đổi 1 euro sau khi ở mức cao nhất 1 tháng trong tuần trước.
Tối nay Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo thể hiện tình trạng thị trường lao động trong tháng 2. Các chuyên gia phân tích của Bloomberg dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ giữ ở mức 4,9%.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 1,4% trong tháng 1. Như vậy chỉ số khốn khổ của Mỹ đang ở mức 6,3%, sau khi chạm mốc 5% trong tháng 11 – mức thấp nhất kể từ năm 1956.