Theo VCBS Research, suất đầu tư nhà máy nước sạch tăng mạnh là yếu tố quan trọng khiến doanh nghiệp tìm đến M&A. Ảnh minh họa: Song Lê |
Quay trở lại với thương vụ trên, giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 11/12/2023 đến ngày 9/1/2024. Tạm tính theo thị giá của SII trên thị trường chứng khoán, DNP Water dự kiến phải chi hơn 428 tỷ đồng để mua được số lượng cổ phần đăng ký. Nếu thành công, DNP Water sẽ nắm giữ 50,61% cổ phần Saigon Water.
Việc sở hữu Saigon Water sẽ giúp DNP Water gián tiếp nắm giữ các công ty con (Công ty CP Cấp nước Sài Gòn Đan Kia, Công ty CP Cấp nước Gia Lai) và công ty liên kết (Công ty CP Đầu tư Nước Tân Hiệp (43%), Công ty CP Cấp nước Sài Gòn - Pleiku (49%), Công ty CP Nước Sài Gòn - An Khê (49%)) của Saigon Water. Ngày 24/11, HĐQT Saigon Water thông qua việc nhận chuyển nhượng hơn 30,8 triệu cổ phần Công ty CP Cấp Thoát nước Củ Chi, nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%.
Ở chiều ngược lại, DNP Water đã bán toàn bộ hơn 4,532 triệu cổ phần sở hữu tại Công ty CP Cấp thoát nước Long An (tương đương 37,15% vốn điều lệ); hơn 3,769 triệu cổ phần tại Công ty CP Cấp nước Cà Mau (tương đương 24,26% vốn điều lệ); 4,307 triệu cổ phần tại Công ty CP Cấp nước Quảng Bình (tương đương 25% vốn điều lệ)… Trong khi đó, DNP Holdings - Công ty mẹ của DNP Water đăng ký bán toàn bộ hơn 10,09 triệu cổ phần sở hữu tại Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (tương đương 11,55% vốn điều lệ), nhưng hiện mới bán được hơn 7,59 triệu cổ phần. Ngoài ra, DNP Holdings cùng các doanh nghiệp liên quan đã bán ra cổ phần tại các công ty con, gồm: Công ty CP Đầu tư hạ tầng nước DNP - Long An, Công ty CP Đầu tư hạ tầng nước DNP - Quảng Bình.
Định hướng thoái vốn tại các công ty con và công ty liên kết trong lĩnh vực kinh doanh nước đã được Ban lãnh đạo DNP Holdings thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên tháng 5/2023. Lãnh đạo Công ty cho biết, việc thoái vốn để tập trung nguồn lực cho các dự án, công ty quy mô lớn; nhằm chuyển đổi mục tiêu, ưu tiên các dự án liên vùng, quy mô lớn tại TP.HCM và giúp giảm áp lực tài chính trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Một số đối tác nhận chuyển nhượng của DNP Holdings và các doanh nghiệp liên quan là Công ty CP Nước Thủ Dầu Một, Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase). Trong đó, Biwase đã chi hơn 473,687 tỷ đồng để mua 28,783 triệu cổ phần Công ty CP Đầu tư hạ tầng nước DNP - Long An và sở hữu 99,8% vốn tại Công CP Nước và Môi trường Cần Đước. Bên cạnh đó, trong năm qua, Công ty đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 76,96% vốn tại Công ty CP Nước và Môi trường Bằng Tâm; 97,27% vốn tại Công ty CP Công trình Đô thị Cần Giuộc và 96,06% vốn tại Công ty CP Công trình đô thị Châu Thành.
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 tổ chức ngày 28/11/2023, Chủ tịch HĐQT Biwase Nguyễn Văn Thiền cho biết, các chương trình M&A của Công ty thời gian qua nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cùng ngành đang gặp khó khăn về quản trị, bế tắc do thiếu vốn để tiếp tục hoạt động. Từ đó, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp nước đã chọn Biwase làm đối tác chiến lược để tiếp tục mở rộng hoạt động cấp nước ra nhiều tỉnh thành khác như: Công ty CP Cấp nước Gia Tân (Đồng Nai); Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ, Công ty CP Biwase Long An…
Tại Công ty CP Nước Thủ Dầu Một, quý III/2023, Công ty chi gần 26 tỷ đồng để mua vào hơn 2,535 triệu cổ phần Công ty CP Đầu tư nước DNP - Quảng Bình để nâng tỷ lệ sở hữu lên 42,25%. Trước đó, vào tháng 6/2023, Công ty CP Nước Thủ Dầu Một thông báo nhận chuyển nhượng gần 3,8 triệu cổ phiếu Công ty CP Cấp nước Cà Mau, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 24,39%, và chính thức trở thành cổ đông lớn của Cấp nước Cà Mau.
Theo nhận định của VCBS Research, do đặc thù của ngành, mỗi địa phương chỉ có một vài doanh nghiệp cấp và phân phối nước sạch. Đa số đều chịu sự quản lý của UBND tỉnh, thành phố nên rất khó để các doanh nghiệp có thể mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy sang các địa phương khác. VCBS Research cho biết, suất đầu tư của các nhà máy nước sạch tăng mạnh trong các năm gần đây là một yếu tố quan trọng khiến doanh nghiệp có nguồn tiền lớn tìm cơ hội gia tăng sở hữu thông qua M&A trong ngành.
Dẫn số liệu từ Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, nhu cầu sử dụng nước của các hộ gia đình ước tính đạt từ 8,2 - 8,6 triệu m3 mỗi ngày trong năm 2023, tăng 6% so với năm 2022. Theo Quy hoạch tổng thể ngành nước đến năm 2030, mức tiêu thụ nước bình quân đầu người sẽ tăng từ 105 - 110 lít/người/ngày trong năm 2021 lên 120 lít/người/ngày năm 2030. Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước qua hệ thống cấp nước ước tính sẽ tăng từ 43,5% hiện nay lên 47% vào năm 2030.