Đường dây lừa đảo qua điện thoại khá chuyên nghiệp và sử dụng công nghệ để chiếm đoạt tài sản của người dân. |
Thủ đoạn tinh vi
Công an TP.HCM đã phát đi thông báo về tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại giả danh điều tra viên, cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… sau thời gian tạm lắng xuống thì gần đây có dấu hiệu phức tạp trở lại. Các đối tượng có sự thay đổi phương thức, thủ đoạn.
Sau khi thông tin về việc bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, rửa tiền mà cơ quan Công an đang tiến hành điều tra và dò hỏi các thông tin về tài khoản, tiền gửi tại các ngân hàng của người nghe điện thoại, đối tượng lừa đảo sẽ giả danh công an yêu cầu nạn nhân đến ngân hàng để mở thêm một tài khoản đứng tên của chính người bị hại, đồng thời đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại do “cán bộ điều tra” cung cấp.
Tiếp đến, đường dây lừa đảo yêu cầu bị hại chuyển/nộp tiền vào tài khoản vừa mở với lý do cần kiểm tra, xác minh, giám định số tiền này có liên quan đến đường dây tội phạm hay không và giám sát tài khoản này. Các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp toàn bộ tên đăng nhập (username), mã kích hoạt, mật khẩu (password) của tài khoản Internet Banking vừa mở. Đến lúc này, những kẻ lừa đảo sử dụng thông tin do bị hại cung cấp đăng nhập chuyển tiền sang tài khoản khác bằng Internet Banking.
Với phương thức thủ đoạn trên, kẻ lừa đảo làm cho bị hại nghĩ rằng tiền vẫn trong tài khoản đứng tên mình nên dẫn đến mất cảnh giác. Mặt khác, đối với các nhân viên của các ngân hàng khi khách hàng đến giao dịch chuyển/nộp tiền vào tài khoản của chính khách hàng nên nghĩ rằng không phát sinh vấn đề lừa đảo gì, từ đó không biết để cảnh báo cho khách hàng về nguy cơ bị lừa đảo.
Đáng chú ý, đường dây lừa đảo thường mở tài khoản và rút tiền tại khu vực các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh hoặc cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)... để có thể nhanh chóng tẩu thoát sang bên kia biên giới khi bị phát hiện.
Mất tiền tỷ sau vài cuộc điện thoại
Một nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo qua điện thoại chiếm đoạt tài sản đến trình báo tại cơ quan Công an.
Ngày 22/1, các đối tượng lừa đảo yêu cầu bà B. ra mở tài khoản đứng tên bà tại một ngân hàng ở Q.8 và đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại của các đối tượng lừa đảo cung cấp. Sau khi bà B. hoàn thành việc đăng ký thì phải cung cấp số tài khoản, tên chủ tài khoản, mã kích hoạt... và chuyển hơn 1 tỷ đồng vào tài khoản mới mở. Cùng ngày, đối tượng lừa đảo đã sử dụng dịch vụ Internet Banking do bà B. đăng ký để chuyển tiền sang các tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt.
Một nạn nhân khác là ông N. (72 tuổi, ngụ quận Bình Tân), cuối năm 2017, ông N. đang ở nhà thì nghe điện thoại bàn reo. Ông N. nghe máy thì người đàn ông gọi đến xưng là Thiếu tá thuộc ban chuyên án tội phạm kinh tế Công an Hà Nội, đọc chính xác tên ông và cho rằng ông N. dính đến vụ lừa đảo mà “đơn vị” này đang thụ lý điều tra.
Người này nói, tài khoản đứng tên ông N. ở Hà Nội đã dùng để lừa hai tỷ đồng. Bị dọa bắt giam, ông N. sợ hãi cho biết chỉ có duy nhất tài khoản ở Ngân hàng Đông Á, đang gửi hơn 500 triệu đồng tiết kiệm. Gã “Thiếu tá” yêu cầu ông Ngọc phải rút hết tiền, chuyển vào tài khoản của công an để xác minh có hay không dính dáng đến tội phạm. Nếu không liên quan số tiền sẽ được hoàn lại.
Sau đó, ông N. ra ngân hàng rút hết tiền, chuyển vào số tài khoản mà "Thiếu tá" cung cấp. Tuy nhiên chờ mãi không thấy “cán bộ điều tra” liên lạc lại, ông cụ dò hỏi mới biết mình bị lừa nên đến cơ quan Công an trình báo. Tiền của ông cụ chuyển đến tài khoản có tên Nguyễn Thu Hà đã bị rút sạch.
Một phương thức thủ đoạn mới khác mà đối tượng lừa đảo gần đây đã sử dụng là gọi vào điện thoại bàn thông báo bị hại đang có bưu phẩm tại một ngân hàng và yêu cầu phải đóng phí gửi bưu phẩm nếu không sẽ bị trừ tiền tại bất cứ tài khoản ngân hàng nào của bị hại. Khi bị hại phản ứng, đối tượng lừa đảo sẽ chuyển máy kết nối đến các đối tượng giả danh cán bộ công an đang điều tra các vụ án ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia...
Điển hình ngày 17/1, bà H.T.N.T. (ngụ quận Bình Thạnh) nhận được cuộc gọi điện thoại bàn thông báo bị hại đang có bưu phẩm tại một ngân hàng và yêu cầu bà T. thanh toán số tiền hơn 16 triệu đồng ngay trong ngày nếu không sẽ trừ tiền bà T. vào tài khoản tại bất cứ ngân hàng nào. Khi bà T. phản đối và nói không quen ai gửi bưu phẩm qua ngân hàng, đối tượng lừa đảo kết nối máy đến kẻ giả danh cán bộ công an và sử dụng các kịch bản lừa đảo cũ để yêu cầu chuyển hơn 96 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng lừa đảo mở tại Móng Cái (Quảng Ninh).
Cơ quan Công an khẳng định không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại, khi có yêu cầu làm việc sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập - Ảnh minh hoạ.
"Khi xảy ra tình huống bị lừa đảo, người dân không được chuyển tiền ngay mà kịp thời thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh bắt giữ tội phạm. Nếu đã chuyển tiền thì liên hệ ngay với ngân hàng nơi gửi hoặc báo cho cơ quan công an để phong tỏa tài khoản, ngăn chặn thiệt hại xảy ra”, Công an TP.HCM lưu ý người dân.