Ảnh Internet |
Doanh nghiệp cho hay, đến thời điểm này mới nhận thức nội dung thỏa thuận hoàn toàn trái pháp luật, gây thiệt hại cho Công ty. Theo Medicoast, khi tiến hành hòa giải, Tòa án TP. Vũng Tàu đã không bảo đảm nguyên tắc nội dung thỏa thuận không được trái quy định pháp luật. Khi ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tòa án đã bỏ qua các sai phạm, trách nhiệm của Ngân hàng Phương Nam trong việc ép buộc Medicoast thiết lập những khoản vay giả tạo.
Cụ thể, theo đơn thư của Medicoast, năm 2010, Medicoast xin vay vốn tại Ngân hàng Phương Nam. Do đầu tư cơ sở hạ tầng nên Công ty cần vay vốn dài hạn, tối thiểu là trung hạn. Nhưng quá trình xét duyệt hồ sơ vay vốn, Ngân hàng đã tư vấn và yêu cầu Medicoast phải lựa chọn vay ngắn hạn.
Trước sức ép cần nguồn tài chính trang trải cho dự án, Medicoast phải chấp nhận vay 12 tháng. Vì vậy, khi nợ đến hạn, Medicoast đã đề nghị ngân hàng gia hạn nợ. Tuy nhiên, ngân hàng không đồng ý gia hạn nợ mà chỉ đồng ý cho vay khoản vay mới để đảo nợ cho khoản vay cũ.
Vấn đề là Ngân hàng yêu cầu Medicoast vay 60 tỷ đồng, trong đó 45 tỷ đồng được trả nợ cũ ngay lập tức và 15 tỷ đồng còn lại, Medicoast không được sử dụng mà phải gửi ngược lại Ngân hàng dưới hình thức cá nhân gửi tiết kiệm. Số lãi gửi tiết kiệm này Ngân hàng thu lại ngay để trừ vào khoản vay. Không được sử dụng vốn vay lại chịu lãi suất chênh lệch khoản vay lớn khi lãi suất cho vay có thời điểm lên tới 32,4%/năm, Medicoast không thể trả nợ. Cuối cùng, Ngân hàng khởi kiện doanh nghiệp ra tòa.
Tại tòa án, Ngân hàng hứa hẹn giảm lãi nếu hai bên hòa giải và đưa ra Công văn của Ngân hàng gửi đến Ngân hàng Nhà nước với nội dung sẽ giảm lãi cho Medicoast. Tuy nhiên, sau này, Ngân hàng hoàn toàn không đề cập đến chuyện giảm lãi, thậm chí còn tính lãi cao.
Sau khi có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Ngân hàng đã yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án đã tiến hành các thủ tục để đấu giá tài sản bảo đảm, là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình tại TP. Vũng Tàu.
Đến tháng 7/2015, việc đấu giá mới thành công, khối tài sản bảo đảm này được bán với giá hơn 156 tỷ đồng. Lúc này, Ngân hàng đã tính thêm một khoản lãi 24 tỷ đồng. Như vậy, từ khoản nợ 45 tỷ đồng ban đầu, cho đến khi phải thi hành án, Medicoast đã phải trả cho Ngân hàng tổng số tiền là 107 tỷ đồng.
Sau khi nộp thuế (từ thu nhập bán đấu giá đất và tài sản gắn liền trên đất) và chi trả các khoản nghĩa vụ với Nhà nước, bảo hiểm xã hội… Công ty này hoàn toàn khánh kiệt.
Có hai căn cứ pháp lý chính Medicoast nêu ra để đề nghị xem xét giám đốc thẩm đối với vụ việc. Thứ nhất, Medicoast cho rằng hợp đồng vay vốn 60 tỷ đồng là hợp đồng giả tạo về số tiền vay vốn, thực tế Medicoast chỉ vay được 45 tỷ đồng, nhưng lại ký vào hợp đồng với số tiền vay 60 tỷ đồng.
Theo quy định tại Điều 129, Bộ luật Dân sự, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của bộ luật này… Như vậy, hợp đồng cho vay 60 tỷ đồng vô hiệu và Medicoast chỉ chịu trách nhiệm với khoản tiền vay vốn thực tế là 45 tỷ đồng và lãi suất trên đó.
Thứ hai, Medicoast cho rằng nội dung thỏa thuận giữa các đương sự có sự sai phạm pháp luật khi công nhận khoản tiền lãi bất hợp pháp của ngân hàng. Theo quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 476), lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Tại thời điểm giao dịch diễn ra – năm 2010 – lãi suất cơ bản là 9%/năm. Do vậy, việc Ngân hàng áp mức lãi suất ban đầu là 21,6%/năm và sau này lên đến 32,4% là vi phạm pháp luật.
Ngoài lãi suất, Ngân hàng còn tính thêm cả khoản phạt với mức lãi phạt 32,4% trong khi theo quy định lãi phạt chậm trả theo lãi suất cơ bản, tức là 9%/năm. Chính vì nội dung bất hợp pháp này, đến thời điểm hiện nay, ngoài số tiền gốc thực tế là 45 tỷ đồng, Medicoast phải trả thêm số tiền lãi rất lớn, đẩy tổng số tiền phải thực trả lên đến 107,4 tỷ đồng.
Theo quy định tại Điều 188 về “Hiệu lực của quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự”, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thoả thuận đó là trái pháp luật. Do đó, Medicoast đề nghị Chánh án TAND Cấp cao tại TP. HCM, Viện trưởng Viện KSND cấp cao TP. HCM xem xét kháng nghị. Việc kháng nghị sẽ là cơ sở để Hội đồng giám đốc thẩm xem xét hủy quyết định của tòa án, từ đó vụ án được xét xử lại, đảm bảo công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Được biết, thời hạn để Medicoast tự đề nghị giám đốc thẩm đã hết (1 năm kể từ ngày ban hành quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự). Tuy nhiên, thời hạn để những người có thẩm quyền, trong trường hợp này là Chánh án TAND Cấp cao tại TP. HCM, Viện trưởng Viện KSND cấp cao TP. HCM ra quyết định kháng nghị vẫn còn (thời hạn 3 năm).