Ảnh Internet |
Theo CNBC, hai công ty cũng sẽ hợp tác trên nhiều dự án công nghệ trong các lĩnh vực như dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI), trong khi Grab sẽ sử dụng một số sản phẩm của Microsoft – bao gồm dịch vụ điện toán đám mây Azure.
“Chúng tôi rất hứng thú với các công ty đang nổi lên tại Đông Nam Á. Thật tuyệt vời khi được nhìn thấy những gì họ đã làm được với công nghệ, cách mà họ áp dụng công nghệ để giải quyết vấn đề cho khách hàng”, Phó chủ tịch điều hành Microsoft Peggy Johnson cho hay.
Cả Microsoft và Grab đã từ chối tiết lộ số tiền của khoản đầu tư. Một báo cáo được tờ Financial Times trích dẫn cho rằng khoản tiền này là khoảng 200 triệu USD, tuy nhiên cả hai công ty đều phủ nhận con số đó.
Tính từ đầu năm đến nay, Grab đã huy động được 2 tỷ USD từ nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota và các nhà đầu tư tổ chức. Theo CB Insights, tổng số vốn mà Grab huy động được đến ngày 2/8/2018 là 6 tỷ USD, định giá công ty ở mức 11 tỷ USD.
Cuối tuần trước, hãng tin Reuters cho biết Tập đoàn công nghệ viễn thông lớn nhất Nhật Bản SoftBank đang chuẩn bị đầu tư 500 triệu USD vào Grab. Chủ tịch Grab Ming Maa từ chối bình luận về các cuộc thảo luận đầu tư đang diễn ra, song ông cho biết công ty đang đi đúng hướng kế hoạch huy động 3 tỷ USD trong năm nay.
“Chúng tôi không thể tiết lộ quy mô của khoản đầu tư, nhưng tôi nghĩ quy mô không quan trọng bằng đối tác của chúng tôi là ai”, ông Maa cho biết.
Ảnh Internet
Grab đang được hậu thuẫn từ nhiều ông lớn như SoftBank, Toyota và hãng xe chung của Trung Quốc Didi Chuxing, theo CNBC. Công ty hiện hoạt động tại 8 quốc gia trên khắp Đông Nam Á, cung cấp các dịch vụ như gọi xe chung, giao hàng thực phẩm, thanh toán di động và dịch vụ tài chính. Hồi đầu năm, Grab đã mua lại mảng kinh doanh trong khu vực của đối thủ Uber, điều này khiến hãng phải chịu sự giám sát pháp lý chặt chẽ ở một số thị trường.
Ông Maa cho biết Grab sẽ sử dụng khoản đầu tư từ Microsoft để cải thiện sự an toàn và trải nghiệm cho khách hàng. Theo một phần của thỏa thuận, Grab sẽ hợp tác cùng Microsoft trong việc phát triển các phương thức mới để xác minh hành khách và tài xế bằng cách sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt tích hợp AI.
Ngoài ra, Grab cũng có kế hoạch sẽ sử dụng khả năng phân tích dữ liệu, phát hiện gian lận, công nghệ và dịch vụ thị giác máy tính (computer vision) của Microsoft để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Hành khách cũng sẽ có thể đặt chuyến trực tiếp thông qua ứng dụng Microsoft Outlook.
Microsoft coi AI là một trong những ưu tiên hàng đầu của hãng và mong muốn mọi người có thể tiếp cận công nghệ này, theo CNBC. Công ty đang tuyển kỹ sư thiết kế chip AI cho bộ phận đám mây Azure và trong vài tháng gần đây hãng đã thâu tóm hai startup AI có tên Bonsai và Lobe. Bà Johnson cho biết AI sẽ vẫn là trọng tâm đầu tư của Microsoft trong tương lai.