Minh bạch tạo dựng niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường chứng khoán luôn đòi hỏi sự công khai, minh bạch. Việc lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm trong công bố thông tin sẽ để lại hậu quả cho không chỉ doanh nghiệp mà còn cả nhà đầu tư. Câu chuyện của nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC rơi vào vòng lao lý vì thiếu minh bạch và thao túng giá cổ phiếu vừa qua là bài học đắt giá cho nhiều doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng, thông tin minh bạch và quản trị tốt sẽ hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Huyền Trang
Doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng, thông tin minh bạch và quản trị tốt sẽ hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Huyền Trang

Bài học đắt giá vì thiếu minh bạch

Để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong một thị trường bất cân xứng thông tin, thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các cơ quan chức năng đã có một loạt biện pháp mạnh để gia tăng tính minh bạch, lành mạnh hóa thị trường.

Khởi đầu từ vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC chiều 10/1/2022 nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Ngay sau đó ông Quyết bị phạt hành chính 1,5 tỷ đồng. Không phải đến thời điểm đầu năm nay, mà từ trước đó, ông Quyết đã từng có hành vi bán chui cổ phiếu. Còn nhớ hồi tháng 11/2017, nguyên Chủ tịch FLC cũng từng bán 57 triệu cổ phiếu mà không báo cáo UBCK và Sở Giao dịch TP.HCM.

Không dừng lại ở việc bán chui, nguyên lãnh đạo FLC rơi vào vòng lao lý vì những hành vi sai phạm, tạo thanh khoản giá, thổi giá cổ phiếu FLC. Câu chuyện của FLC là bài học đắt giá cho nhiều doanh nghiệp trong việc tuân thủ công bố thông tin, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư.

Mới đây UBCK cũng đã xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin. Đơn cử như Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (mã SGC) bị phạt 85 triệu đồng do không công bố thông tin theo quy định pháp luật. Công ty CP Thương mại Hà Tây (mã HTT) bị phạt 70 triệu đồng vì không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Hồi tháng 4, Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí - CTCP (mã PVE) bị phạt 100 triệu đồng vì không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCK và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) nhiều tài liệu. Cũng liên quan đến không công bố một số thông tin và nhiều tài liệu trên trang điện tử của HNX và UBCK, Công ty CP Thiết bị điện (mã THI) bị phạt 85 triệu đồng, Công ty CP Xếp dỡ Hải An (mã HAH) bị phạt 70 triệu đồng…

Kênh dẫn vốn dựa trên sự minh bạch

“Minh bạch thông tin” là cụm từ mà bất cứ một lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng thuộc lòng từ ngay khi có ý định đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng để thực hiện được là một điều không dễ dàng. Xuất phát từ nhiều lý do trong đó có áp lực xoay sở dòng tiền quá lớn dẫn đến những trường hợp như FLC. Một mặt niêm yết cổ phiếu để huy động vốn, mặt khác câu kết cùng các tổ chức trung gian thao túng giá cổ phiếu, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp. Để kênh dẫn vốn ngày càng hiệu quả hơn, doanh nghiệp cần minh bạch và chủ động thông tin, hướng tới sự phát triển bền vững.

Song, vấn đề ở chỗ, khi bị phát hiện vi phạm, hậu quả mà FLC phải gánh chịu không chỉ phạt tiền mà lãnh đạo doanh nghiệp cùng hàng loạt nhân sự cấp cao vướng vòng lao lý, có thể đối diện mức phạt cao nhất 7 năm tù. Cái giá đắt nhất là thương hiệu cá nhân của ông Quyết gắn liền với một tập đoàn đa ngành nghề được gây dựng bao nhiêu năm bỗng tan tành sau vài tháng. Dù vi phạm là của cá nhân, song nhắc đến FLC giờ đây, nhà đầu tư và cả những người chưa từng đầu tư chỉ biết đến một doanh nghiệp tai tiếng, làm ăn bất chính. Trên thị trường cổ phiếu, thị giá của nhóm FLC lao dốc không phanh suốt thời gian vừa qua, khiến nhiều cổ đông tán gia bại sản. Một số nhà đầu tư cho biết không bao giờ có ý định quay lại đầu tư nhóm FLC, thậm chí có người mất niềm tin, không dám đầu tư vào bất kỳ cổ phiếu nào trên sàn chứng khoán nữa.

Do đó, có thể xem FLC là một bài học đắt giá cho tất cả các thành viên trên thị trường. Với hoạt động phát hành cổ phiếu, bất cứ doanh nghiệp hay cá nhân nào có ý định thu lợi bất chính từ việc thiếu minh bạch thông tin, thao túng cổ phiếu cũng phải nhìn thấy cái giá phải trả quá lớn, có thể hủy hoại cả một doanh nghiệp. Với nhà đầu tư, hãy tránh xa cổ phiếu thiếu minh bạch, trước khi mua cổ phiếu phải tìm hiểu rõ lịch sử công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp. Cơ quan quản lý chứng khoán cần tiếp tục mạnh tay với hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cá nhân, cổ đông nhỏ lẻ để thị trường chứng khoán thực sự là một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế bên cạnh tín dụng ngân hàng, trái phiếu.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho biết, một trong những tiêu chí lựa chọn cổ phiếu để đầu tư là quản trị của công ty đó có tốt không. Câu chuyện quản trị doanh nghiệp rất được nhà đầu tư quan tâm. Doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt, thông tin minh bạch và quản trị tốt sẽ hấp dẫn nhà đầu tư.

Minh bạch thông tin cũng là điều được ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán KBC) nhiều lần nhấn mạnh. Ông cho rằng, Việt Nam đang đón cơ hội tốt từ dòng vốn FDI, doanh nghiệp cần có thông tin minh bạch để có niềm tin với nhà đầu tư, nâng cao quản trị doanh nghiệp để đón nhận cơ hội. Minh bạch thông tin giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Hiện nay, UBCK đang nỗ lực tăng tính minh bạch của thông tin trên thị trường và bảo vệ nhà đầu tư yếu thế. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang thúc đẩy tiến trình nâng hạng.

Để thị trường chứng khoán thực sự là kênh dẫn vốn của nền kinh tế, thị trường cần minh bạch. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh. Ông khẳng định thị trường chứng khoán luôn đòi hỏi sự minh bạch, đúng đắn, chính xác, tất cả các sai phạm ảnh hưởng đến thị trường đều phải bị xử phạt nghiêm minh.

Theo ông Hồ Đức Phớc, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp. Để kênh dẫn vốn ngày càng hiệu quả hơn, doanh nghiệp cần minh bạch và chủ động thông tin, hướng tới sự phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục