Tín dụng khởi đầu thuận lợi, cẩn trọng với các biến số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 7% trong quý I năm nay cho thấy xu hướng giải ngân vốn tích cực nhờ nền kinh tế hồi phục khả quan, mặt bằng lãi suất được giữ ở mức thấp, nhiều dự án được tháo gỡ vướng mắc… Trong thời gian tới, xu hướng tăng trưởng tín dụng có thể chịu tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ, hiệu quả từ các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khả năng kiểm soát rủi ro tín dụng của các ngân hàng.
Một số ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 7% trong quý I/2025. Ảnh: Lê Tiên
Một số ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 7% trong quý I/2025. Ảnh: Lê Tiên

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 ngày 21/4, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) thông tin, đến cuối quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 8,92%, dư nợ cho vay khách hàng đạt 192.000 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đến hết quý I là 163.000 tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2024 (154.000 tỷ đồng).

Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết: "Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 ở mức 20% là cao so với trung bình ngành. Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả năm 2024, MSB đạt mức tăng trưởng tín dụng 18,25% thì con số 20% của năm nay rất khả thi. Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm nay, MSB sẽ tập trung vào các ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng, tài chính xanh và các ngành mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế".

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 18/4, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, đến ngày 15/4/2025, dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,7%. Huy động vốn riêng lẻ đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 6%.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), tính đến ngày 31/3/2025, dư nợ cấp tín dụng đạt 575.777 tỷ đồng, tăng 7%.

NHNN cho biết, tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước. Ngay từ đầu năm 2025, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% và thông báo cho các tổ chức tín dụng. Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi, nếu lạm phát kiểm soát ở mức thấp có thể linh hoạt điều chỉnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 16% nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI chịu nhiều tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại, nhóm nghiên cứu của KBSV cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được thúc đẩy nhờ việc Chính phủ nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản và đẩy mạnh đầu tư công - động lực quan trọng tạo nên tăng trưởng kinh tế 2025.

Đáng chú ý, việc Chính phủ đẩy mạnh tháo gỡ các nút thắt pháp lý đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bất động sản đình trệ được tái khởi động. Định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp của NHNN được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, NHNN cũng phối hợp với các ngân hàng triển khai thực hiện chương trình ưu đãi tín dụng cho các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với quy mô 100.000 tỷ đồng.

Tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước. Ảnh: Nhã Chi
Tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước. Ảnh: Nhã Chi

Đánh giá về rủi ro của tăng trưởng tín dụng trong năm nay, FiinRatings cho rằng, cần chú ý về mức chênh lệch lớn giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động. Số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy khoảng cách tương đối lớn giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn trong quý I năm nay. Cụ thể, tính đến ngày 25/3, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,49% trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,36%.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, tín dụng tăng nhanh trong quý I nhờ đà hồi phục tích cực của nền kinh tế, chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc, chủ trương giảm lãi suất của NHNN. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, trước áp lực từ chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc vay vốn sản xuất kinh doanh trước thời hạn có thể bị áp thuế.

Theo ông Huân, trong thời gian tới, tăng trưởng tín dụng phụ thuộc đáng kể vào đà hồi phục của nền kinh tế, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ sau 90 ngày tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng. Nếu đàm phán thương mại dẫn đến mức thuế quan vào Mỹ ở mức hợp lý thì tỷ giá chịu ít áp lực, lãi suất giữ được mức thấp thì xu hướng tăng trưởng tín dụng có thể tích cực và mục tiêu tăng trưởng 16% của năm nay có thể đạt được. Trong trường hợp ngược lại, thuế quan được áp dụng ở mức cao gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu thì tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại.

“Các kịch bản thuế quan cần được tính đến để có giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tích cực hơn. Mặt khác, với xu hướng tăng trưởng tín dụng mạnh, thị trường bất động sản có dấu hiệu nóng lên ở một số phân khúc, cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ tín dụng với các phân khúc bất động sản rủi ro cao”, ông Huân khuyến nghị.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới có thể gặp một số thách thức từ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, khả năng huy động vốn trong bối cảnh lãi suất khá thấp. Mặt khác, theo ông Lực, tăng trưởng tín dụng phải gắn với chất lượng tín dụng, tức là tăng trưởng cao nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát rủi ro tín dụng và đảm bảo các chuẩn mực an toàn.

“Để tăng trưởng tín dụng cao như mục tiêu định hướng đặt ra, các tổ chức tín dụng cần phải tăng vốn, nhất là vốn điều lệ. Điều này rất cần sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để các tổ chức tín dụng có thể tăng vốn kịp thời. Đồng thời, cần phải nắn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là vào các động lực tăng trưởng mà Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã yêu cầu”, ông Lực nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục